Để quản lý hiệu quả vùng bờ biển chạy dài qua nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ trước tình trạng biến đổi khí hậu, Chính phủ Đức và Australia đã cam kết tài trợ hàng chục triệu đô la.
Ngày 3/6, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Tổ chức phát triển Quốc tế Đức (GIZ) cùng UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố chương trình biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái ven biển. Trong thời gian này tại TP Rạch Giá còn diễn ra hội thảo biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên ven biển từ những giải pháp thực tiển của tỉnh Kiên Giang.
Thông tin từ cuộc hội thảo này cho thấy Kiên Giang có bờ biển dài nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 205 km. Dọc theo bờ biển này có trên 5.000 ha rừng ngập mặn hình thành một dãy hành lang xanh mỏng với thảm thực vật chịu mặn.
Từ sự hỗ trợ của Chính phủ Đức và Úc, hệ thống đê và tài nguyên ven biển ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… sẽ được bảo vệ trước sự biển đổi khí hậu. Ảnh: Thiên Phước
Hiện nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang các đai rừng ngập mặn đang bị xói lở lộ ra nhiều thân đê. Từ đó mà nước biển đã đánh thủng làm lở hoặc vỡ đê dẫn đến tình trạng nước biển xâm nhập vào vùng sản xuất nông nghiệp bên trong. Qua khảo sát cho thấy có nhiều nơi biển đã “ngoạm” mất 5-10m rừng ngập mặn. Khi đê biển không có lớp thực vật bảo vệ, chúng bị sạt lở nghiêm trọng và trong nhiều trường hợp đê biển đã bị nước biển cuốn trôi.
Để quản lý hiệu quả vùng bờ biển và tài nguyên rừng ngập mặn là rất cần thiết nhằm xem xét các vấn đề đe dọa trực tiếp đến rừng ngập mặn. Những tác nhân này đã làm giảm khả năng phòng hộ của rừng ngập mặn đối với quá trình xói lở bờ biển.
Chính phủ Australia đã quyết định đóng góp trên 24 triệu USD vào chương biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái ven biển cho các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và An Giang. Chính phủ Đức cam kết tài trợ trên 14 triệu USD cho việc hợp tác kỹ thuật đồng thời tài trợ 25,3 triệu USD để hợp tác tài chính cho chương trình phục hồi đê biển thực thi bởi Ngân hàng tái thiết Đức từ nay kéo dài đến tháng 6/2016.