Hàng thế kỷ nay, mỗi khi gặp chuyện xui rủi do bất cẩn như búa đập trúng tay hay trẹo cột sống khi khiêng vác đồ nặng, không ít người đổ thừa là do trăng tròn.
Đây là quan niệm phổ biến nhưng hoàn toàn không dính dáng gì tới chu kỳ hoạt động của Mặt trăng, nhà vật lý kiêm thiên văn học Robert Seeberger làm việc ở Bộ Kinh tế Áo khẳng định hôm 31-7. Ông cho biết sau khi phân tích 500.000 vụ tai nạn công nghiệp tại Áo từ năm 2000 đến 2004, các chuyên gia không tìm ra bằng chứng nào cho thấy có sự liên can của “chị Hằng”.
Giả thuyết tác động của Mặt trăng có từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên khi học giả La Mã Pliny cho rằng Mặt trăng có thể gây choáng váng và bất tỉnh cho những ai ngủ dưới ánh trăng. Năm 1984, Tạp chí Y học Anh đăng nghiên cứu được thực hiện trong 4 năm tại nhiều nơi ở Ấn Độ kết luận số vụ án tăng đột biến vào thời kỳ trăng tròn.
Tuy nhiên, Đại học Saskatchewan ở Canada năm 1998 công bố nghiên cứu đối với 250.000 vụ tai nạn giao thông trong 9 năm khẳng định không có liên quan đến chu kỳ trăng tròn. Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng Mặt trăng cách Trái đất tới 385.019 km, và con người quá nhỏ bé so với Mặt trăng, nên không thể chịu tác động của nó.
Q.C