Dùng năng lượng quá mức gây thảm họa môi trường

Các chuyên gia môi trường và khí hậu của Liên hợp quốc cảnh báo nếu cứ tiếp tục quy mô và tốc độ tiêu dùng các nguồn năng lượng gốc như hiện nay, thế giới sẽ tự đẩy mình vào các thảm họa môi trường toàn cầu.

Số liệu mới nhất của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) cho biết, quy mô tiêu dùng toàn cầu các nguồn năng lượng gốc (các nguồn năng lượng trong tự nhiên chưa qua quá trình biến đổi nào) trong năm 2010 đã lên tới 500 exajoule (EJ), tương đương 500 oát/giây (W/s). Đây là mức gần với mức tiêu thụ năng lượng có thể xảy ra một thảm họa môi trường toàn cầu tồi tệ nhất theo tính toán của IPCC là 525 EJ/năm.


Khai thác dầu mỏ (Ảnh minh họa)

IAEA cho biết, trong năm 2010, than là một trong các nguồn năng lượng tiêu thụ lớn nhất, chiếm 27% tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Than là nguồn năng lượng rẻ nhất nhưng cũng "bẩn" nhất về mức độ thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHGE). Năm 2010, nguồn năng lượng than đã thải ít nhất 32 tỷ tấn khí CO2, gần chạm mức độ tồi tệ nhất về khí thải từ nguồn năng lượng này theo tính toán của IPCC là 33 tỷ tấn CO2.

Giáo sư Đại học Potsdam của Đức, ông Anders Levermann, nhấn mạnh năm 2010 là năm nóng nhất trong vòng 130 năm qua và mức khí thải kể trên là của năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong những năm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt, lượng khí thải có thể cao hơn nhiều. Như vậy, tổng tiêu thụ năng lượng năm 2010 đã cao hơn nhiều so với kịch bản xấu nhất theo tính toán của IPCC đối với năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt.

Phát hiện mới này cảnh báo nguy cơ nhân loại đang lao nhanh đến một thảm họa môi trường toàn cầu trong tương lai rất gần.

Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền trung bình toàn cầu trong năm 2010 đã tăng 0,6 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20.

Mùa Đông lạnh bất thường ở Tây Âu, mùa Hè nóng bất thường ở Nga và Tây Âu, lũ lớn lịch sử ở Pakistan và Australia năm 2010 là hậu quả tồi tệ của biến đổi khí hậu đồng thời cũng cho thấy hạn chế của những dự báo thời tiết chuyên nghiệp và hiện đại nhất.

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính thải ra khí quyển càng nhiều, những biến động thời tiết bất thường toàn cầu càng vượt quá tầm kiểm soát và dự báo của con người.

Các chuyên gia khí tượng Liên hợp quốc dự báo, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 8 độ C vào năm 2200.

Trong quá khứ, thời gian quá độ từ nhiệt độ cực đoan này đến nhiệt độ cực đoan khác giữa các thời kỳ băng giá kéo dài 50.000 năm nhưng hiện nay với lượng khí thải ngày càng lớn được thải vào khí quyển, khoảng thời gian này đã rút ngắn tới 50 lần.

Sự tăng nhanh của nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể kích động thảm họa thời tiết cực đoan mà con người khó có thể thích nghi được. Nó có thể phá hủy các nguồn cung cấp nước, nông nghiệp, môi trường, kích động các làn sóng di cư và tử vong hàng loạt.

Theo Thông tấn xã Việt Nam
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video