Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra phần còn lại của một ngôi nhà 44.000 năm tuổi do người Neanderthal xây dựng tại Molodova, phía đông Ukraine.
>>> Nấu nướng - bước đột phá mãnh liệt của tiến hóa
Đây là một ngôi nhà hình tròn, được tạo nên từ 116 chiếc xương lớn bao gồm cả hộp sọ, hàm, 14 ngà và xương chân voi. Bên trong có ít nhất 25 lò đầy tro cho thấy nó đã được sử dụng trong một khoảng thời gian đáng kể.
Người Neanderthal chết cách đây khoảng 30.000 năm, ban đầu được biết đến như những người du mục chuyên trú ngụ trong các hang động tự nhiên. Họ là tổ tiên loài người đầu tiên định cư tại khu vực này, các chuyên gia đến từ Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Naturelle tại Paris cho biết.
Nhà khảo cổ Laetitia Demay, người đứng đầu nghiên cứu, nói: “Neanderthal là nhóm người được biết đến lâu đời nhất trong việc sử dụng xương tạo ra chỗ ở. Họ cố ý chọn xương của các loài động vật có vú lớn nhất như voi ma mút. Việc làm này cho thấy người Neanderthal có thể dự đoán được sự biến đổi của khí hậu. Thiếu gỗ dựng nhà dẫn đến việc họ phải dùng xương thay thế nhằm mục đích chắn gió”.
Nhóm nghiên cứu tin rằng người Neanderthal đã săn bắt và ăn thịt những con voi trước khi sử dụng xương của chúng. Đồng thời, họ cũng đi thu thập một số xương động vật đã chết vì nguyên nhân tự nhiên.
“Bây giờ chúng ta có thể thêm chi tiết này vào danh sách các hành vi tiến bộ bao gồm việc chôn lấp xác chết, nấu nướng, đeo đồ trang sức và nói”, Simon Underdown, một giảng viên cao cấp chuyên nghiên cứu người Neanderthal tại Đại học Oxford Brookes nhận định.