Người La Mã cổ đại không đánh giá con người dựa trên màu da, và sắc tộc cũng không ảnh hưởng tới địa vị của mỗi cá nhân trong đế chế La Mã. Chiếc bình thuỷ tinh màu xanh có hình mặt người châu Phi thời La Mã.
Những tạo vật được trưng bày trong cuộc triển lãm "Người châu Phi trên bức tường Hadrian", tại Đại học Newcastle, đã cho thấy người châu Phi và những dân tộc khác đều có mặt trong mọi tầng lớp của xã hội La Mã cổ đại.
Bảo tàng đồ cổ ở Đại học Newcastle lưu trữ nhiều đồ vật và hồ sơ liên quan tới tường thành Hadrian, một pháo đài kiên cố đã được binh lính La Mã xây dựng vào năm 120 sau Công nguyên, để đánh dấu biên giới phía bắc của đế chế tại Anh.
Lindsay Allason-Jones, Giám đốc bảo tàng, cho biết rất ít người Italy xây dựng và bảo vệ tường thành. Hầu hết là người Tây Ban Nha, Đức, Bắc Phi, Gaulois. Những binh lính này có thể được phong cấp không kể màu da, nguồn gốc, chừng nào họ còn trung thành với đế chế.
Allason-Jones cho biết bản thân hoàng đế Hadrian là người Tây Ban Nha. Ngoài ra, hoàng đế La Mã nổi tiếng khác như Septimius Severus là người Libya. Một số thống đốc tại Anh đến từ các vùng khác nhau của châu Phi.
Chế độ nô lệ có tồn tại ở thành Rome nhưng nô lệ gồm cả người da đen lẫn người da trắng. "Chế độ nô lệ là một thành phần kinh tế trong cuộc sống và không liên quan gì tới sự phân biệt chủng tộc", Allason-Jones cho biết. Mọi người ca ngợi những nô lệ da đen người Nubia vì dáng vẻ oai phong cũng như coi trọng các nô lệ người Hy Lạp tóc vàng, mắt xanh.
Bức tường thành Hadrian |
Định kiến có tồn tại ở Rome nhưng trong một hình thức khác lạ. Nhiều người La Mã không thích đàn ông đeo khuyên tai, mặc dù hiện tượng đồng tính thời đó là khá phổ biến và được chấp nhận. Kể cả vua Hadrian cũng có quan hệ với một nam cận thần tên là Antinous.
"Đối với người La Mã, sự ẻo lả, yếu đuối không gắn liền với sự đồng tính. Và việc đeo khuyên tai là một biểu hiện của sự yếu ớt", Allason-Jones nói.
Bà cho biết người La Mã cảm nhận đẳng cấp của mình rất rõ. Bất cứ ai ngoài đế chế đều bị coi là người man rợ. Tuy vậy, thực tế là những người thuộc nguồn gốc khác trong xã hội vẫn giữ nguyên nét văn hoá truyền thống từ quê nhà.
Frank Snowden, giáo sư danh dự tại Đại học Howard, đã có một công trình nghiên cứu thái độ của con người đối với màu da ở thế giới cổ đại. Ông viết: "Không có gì tương tự như sự phân biệt sắc tộc của thế giới hiện đại tồn tại trong xã hội cổ đại... Với những người La Mã và Hy Lạp cổ đại thì vấn đề đó chỉ là sở thích của mỗi cá nhân".
Các nhà khoa học cho rằng cần phải rút ra bài học từ thế giới xưa. "Xã hội Anh là một xã hội đa sắc tộc nhưng rõ ràng là người La Mã tại Anh trước kia đã không phải đối mặt với sự lo sợ và hiểm nguy như ngày nay".
Minh Thi