Khi lái xe trên đường cao tốc này, có những đoạn tài xế được phép nhấn ga thoải mái mà không cần quan tâm tới giới hạn tốc độ.
Autobahn là một trong những mạng lưới đường cao tốc lớn nhất thế giới. Được khởi công xây dựng từ năm 1929, tuyến đường có tổng chiều dài gần 13.000km, nối liền các bang của Đức.
Trải nghiệm lái xe trên đường cao tốc không giới hạn tốc độ ở Đức
Nhưng điều làm nên sự khác biệt nhất ở đường cao tốc này chính là việc nó không có trạm thu phí và một số đoạn không giới hạn tốc độ.
Tuy nhiên, để vận hành hệ thống phức tạp này, hạn chế tai nạn giao thông, đường cao tốc Autobahn đã áp dụng công nghệ hiện đại trong việc chế tạo mặt đường, đồng thời áp dụng nhiều điều luật khắt khe nhằm đảm bảo ý thức của các tài xế lái xe.
Đường cao tốc duy nhất thế giới không giới hạn tốc độ
Tuy nhiên điều này không áp dụng với toàn bộ đường cao tốc. Có những đoạn Autobahn bị giới hạn, nhưng có đoạn cho phép tài xế được nhấn ga thoải mái, không cần quan tâm tới tốc độ tối đa.
Một số khu vực như đô thị, đường có khúc cua gấp và nguy hiểm, người lái xe bị cấm đi nhanh hơn 130km/h.
Các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc Autobahn. (Ảnh: Auto Express).
Ngoài ra, tốc độ giới hạn còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mặt đường và nhiều yếu tố khác. Autobahn đặt mức vận tốc tối thiểu là 60km/h. Ở những đoạn đường không có biển báo giới hạn tốc độ, lái xe có thể di chuyển bất cứ bất cứ tốc độ nào họ thấy phù hợp, nhưng thường di chuyển trung bình là 130-160km/h.
Nếu các phương tiện chạy vượt quá 160km/h, nhiều người cho rằng dễ xảy ra tai nạn giao thông. Nhưng theo số liệu thống kê ghi lại cho thấy, hệ thống đường cao tốc này rất an toàn với tỉ lệ tai nạn còn thấp hơn nhiều so với đường liên bang tại Mỹ.
Cụ thể, khoảng 30% phương tiện tham gia giao thông tại Đức đi qua Autobahn nhưng chỉ khoảng 10% tổng số vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc này.
Tai nạn liên hoàn với 259 ô tô đâm vào nhau trên đường cao tốc xảy ra vào năm 2009. (Ảnh: Mirror).
Tuy nhiên, cao tốc Autobahn từng chứng kiến vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra năm 2009, từng gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.
Đó là vụ tai nạn liên hoàn với tổng cộng 259 xe ô tô đâm vào nhau với nhiều thương tích được báo cáo. Nguyên nhân va chạm do mưa lớn xảy ra khiến tuyến đường trở nên trơn trượt. Sau đó, ban quản lý cao tốc phải tuyển dụng thêm 340 nhân viên cứu hộ để dọn dẹp hiện trường, với chi phí ước tính lên tới 1,5 triệu Euro.
Đường cao tốc vắng bóng trạm thu phí
Trải nghiệm lái xe trên đường cao tốc không giới hạn tốc độ ở Đức.
Nhiều người cho rằng để duy trì hoạt động bảo trì toàn tuyến đường, Autobahn sẽ có rất nhiều trạm thu phí. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.
Được biết, chi phí bảo trì tuyến đường lấy từ nguồn đánh thuế xăng dầu, các loại thuế khác mà phương tiện tham gia giao thông đã đóng. Đến nay, câu chuyện có thu phí cầu đường tại đây hay không vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, nhưng chưa được thông qua thành luật.
Tuyến đường được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên
Một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm tỉ lệ tai nạn giao thông trên cao tốc Autobahn đó là việc bảo dưỡng được thực hiện liên tục.
Hàng ngày, nhân viên bảo dưỡng lái xe chuyên dụng đi kiểm tra từng khu vực để khắc phục các vấn đề phát sinh. Biển báo, mặt đường sạch sẽ thoáng đãng giúp tài xế dễ quan sát. Thậm chí, công nhân sửa đường liên tục đổ thêm lớp nhựa mới nhằm giúp Autobahn luôn ở tình trạng hoàn hảo.
Tuyến đường được bảo dưỡng liên tục. (Ảnh: Cars).
Ngoài ra, các phương tiện được hệ thống hàng nghìn radar giám sát. Nhờ các dữ liệu thu thập giúp tài xế nhận thông tin về nhiệt độ, điều kiện mặt đường, lượng mưa, cảnh báo về tắc đường hay tai nạn giao thông.
Dọc theo tuyến đường là hệ thống trạm nghỉ, trạm tiếp nhiên liệu hoạt động liên tục. Khoảng 2km, tài xế lại gặp một trạm điện thoại khẩn cấp. Ngoài ra, hệ thống rào chắn phân chia đường giúp ngăn chặn các vụ va chạm trực diện.