Giải thưởng Ig Nobel 2005, nhằm "tôn vinh" những thành tựu khiến mọi người cười trước - nghĩ sau, đã được công bố tại lễ trao giải ở Đại học Harvard, Mỹ đêm 6/10.
Nhóm của giáo sư Mike Tyler đến từ Đại học Adelaide, Australia, đã giật giải Ig Nobel sinh học về công trình nghiên cứu mùi của ếch. Tyler cho biết mỗi con ếch có một mùi đặc trưng khi chúng bị stress.
"Hầu hết các con ếch sống trên cây có những mùi giống hạt lạc hay hạt điều. Và nó rất ngọt", Tyler cho biết. Còn một nhóm ếch khác lại có mùi cà ri đậm đặc. "Thực tế đó là mùi cà ri Bombay ngọt ngào, hay mùi cà ri ớt khô của Bắc Ấn Độ".
Tyler và nhóm cũng đã tìm thấy 20 con ếch có mùi giống cỏ tươi và một số con mang mùi ôi thiu.
Các nhà nghiên cứu không chắc những mùi này có ý nghĩa gì, nhưng họ biết rằng một số hoá chất trong đó có khả năng diệt muỗi. Họ cũng tìm thấy một số hoá chất ngăn bồ câu "đi bậy" trên hàng rào, và thực tế những chất này đã được sử dụng để đuổi chim ở London, Paris và New York.
Giáo sư John Mainstone và cố giáo sư Thomas Parnell tại Đại học Queensland ở Brisbane giành giải Ig Nobel vật lý.
Mainstone cho biết vào năm 1927 Parnell đã bắt đầu một cuộc thí nghiệm mà bây giờ trở thành cuộc thí nghiệm lâu nhất mọi thời đại, trong đó có việc quan sát sự di chuyển siêu chậm của các giọt hắc ín rơi ra từ cái phễu.
Cuộc thí nghiệm nhằm chứng tỏ hắc ín, chất rắn dễ vỡ có thể đập tan bằng một cái búa, cuối cùng cũng có thể chảy ra như chất lỏng, nếu bạn để mặc nó đủ lâu.
Hiện mới chỉ có 8 giọt rơi ra từ khi thí nghiệm bắt đầu và các nhà khoa học sẽ phải chờ thêm một thập kỷ nữa để có thêm những giọt khác.
"Đến nay chưa ai thực sự quan sát khi nào xảy ra sự dịch chuyển của giọt hắc ín tách ra khỏi khối trong phễu. Vào năm 2000, chúng tôi cho rằng đã ghi lại được cảnh đó trong máy quay nhưng thật không may cái máy đó lại hỏng đúng vào thời khắc quan trọng", Mainstone, người tiếp tục thí nghiệm khi Parnell chết, nói.
Mainstone thừa nhận rằng một số người có thể cho rằng công việc của họ còn tồi tệ hơn là theo dõi một cây cỏ lớn lên hay chờ sơn khô, nhưng ông tự hào cho biết cuộc thí nghiệm đã được đưa vào trong sách giáo khoa. Và ông tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu về tính đặc sệt của hắc ín, gấp 100 tỷ lần so với nước.
Chiếc camera đã làm việc trở lại vì vậy bạn có thể nhìn thấy cảnh giọt hắc ín rơi. Nhưng đừng vội nín thở bởi giọt tiếp theo sẽ không rơi xuống trước năm 2011.
Giải Ig Nobel Y học thuộc về một người Mỹ đã sáng chế ra tinh hoàn giả cho chó, bao gồm 3 kích cỡ và 3 độ cứng khác nhau.
Giải hoá học được trao cho 2 nhà nghiên cứu Mỹ đã khám phá ra rằng bơi trong xi-rô không chậm hơn bơi trong nước.
Một nhà nghiên cứu Nhật Bản giành giải thưởng dinh dưỡng vì đã chụp ảnh và phân tích mọi bữa ăn của ông trong vòng 34 năm.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Đức giành giải động lực học chất lưu vì đã tính toán sức ép tạo ra bên trong một con chim cánh cụt khi nó đại tiện.
M.T. (theo ABC Online)