"Em bé ống nghiệm" có gì khác thường?

Không có khác biệt đáng kể nào giữa trẻ sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và trẻ chào đời theo cách tự nhiên.

"Em bé ống nghiệm" là kết quả của tiến bộ khoa học y tế trong lĩnh vực điều trị vô sinh. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những công nghệ hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất được thực hành ở lĩnh vực điều trị vô sinh hiện nay. Một em bé được sinh ra mà không có sự giao hợp tự nhiên giữa một người đàn ông và phụ nữ. Thay vào đó, tế bào trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông được hợp nhất bên ngoài cơ thể cho một thụ tinh thành công.

Louise Brown là bé đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp IVF vào năm 1978. Nhiều nhóm tôn giáo trên thế giới coi đây là một động thái phi đạo đức. Có rất nhiều người nghĩ rằng những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp này là không bình thường. Vậy sự thật về "em bé ống nghiệm" là gì?

"Em bé ống nghiệm" nghĩa là gì?

Em bé ống nghiệm là kết quả của kỹ thuật IVF. Trong kỹ thuật này, các tế bào trứng và tinh trùng được thụ tinh bên ngoài cơ thể, sau đó cấy trở lại vào tử cung của người phụ nữ. Những em bé sinh ra bằng phương pháp này được gọi là em bé ống nghiệm.

Tại Việt Nam, 10.000 em bé đã ra đời từ kỹ thuật này. Đây là phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả, tỷ lệ thai trung bình tại Việt Nam khoảng 40%.


Louise Brown là bé đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp IVF vào năm 1978. (Ảnh: Boldsky).

Những ai nên thụ tinh ống nghiệm?

Phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản này giúp những cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai. Những người thuộc một trong các nhóm nguyên nhân hiếm muộn dưới đây sẽ được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm:

  • Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ như tổn thương tắc, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung hay rối loạn phóng noãn sau khi thất bại bơm tinh trùng nhiều lần.
  • Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng như tinh trùng ít, yếu và dị dạng hoặc không có tinh trùng.
  • Hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân và đã bơm tinh trùng nhiều lần thất bại.

Quá trình thụ tinh ống nghiệm thế nào?

Noãn của vợ sau khi chọc hút sẽ được xử lý và kết hợp với tinh trùng người chồng để tạo thành phôi. Sau khi kết hợp trứng và tinh trùng tạo thành phôi, phôi được nuôi cấy trong ống nghiệm từ 2 đến 3 ngày hay 5 ngày trước khi chuyển vào tử cung người vợ.

Thông thường chuyển trung bình khoảng 2-3 phôi với tỷ lệ thai đạt khoảng 35-40%. Sau chuyển phôi bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ tại chỗ 1-2 giờ, sau đó có thể đi lại bình thường. Sau chuyển phôi, nếu còn phôi dư và tốt, bệnh nhân sẽ được tư vấn trữ lạnh phôi để có thể sử dụng cho những chu kỳ sau. Bệnh nhân được dùng thuốc hỗ trợ cho quá trình làm tổ của phôi 2 tuần trước khi thử thai.

Em bé ống nghiệm có bình thường?

Hiện tại không một nghiên cứu nào cho thấy em bé ống nghiệm có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe. Những em bé này có thể sống một cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh tương tự như tất cả đứa trẻ khác sinh ra qua thụ thai tự nhiên.

Em bé ống nghiệm sau này cũng vô sinh?

Em bé ống nghiệm sẽ lớn lên như người bình thường và không có bất kỳ vấn đề gì về khả năng sinh sản sau này. Các nghiên cứu chứng minh rằng tỷ lệ vô sinh ở em bé ống và ở em bé được sinh ra với thụ thai tự nhiên là như nhau.

Em bé ống nghiệm là "đồ thiết kế"?

Bác sĩ chỉ loại trừ phôi có bệnh di truyền và can thiệp giới tính ở một số quốc gia cho phép lựa chọn giới tính. Ngoài ra, bác sĩ không thể can thiệp gì hơn, trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm không phải là đồ "thiết kế" như mọi người vẫn lầm tưởng.

Em bé ống nghiệm sinh ra từ ống nghiệm?

Phôi sau khi được nuôi trong ống nghiệm 2-3 ngày (hoặc 5 ngày) sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người vợ. Số phôi chuyển tùy thuộc vào tuổi người vợ, nguyên nhân hiếm muộn, số chu kỳ thực hiện trước đó cũng như chất lượng hiện tại của phôi. Bác sĩ sẽ quyết định số phôi chuyển sao cho đạt tỷ lệ có thai cao nhất và giảm thiểu nguy cơ đa thai. Vì vậy em bé vẫn phát triển trong bụng mẹ bình thường và 9 tháng 10 ngày sau chào đời như những đứa trẻ khác.

Cập nhật: 16/02/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video