Sau một loạt những tranh cãi về quyết định sai lầm của trọng tài trong World Cup 2010, nhiều cầu thủ và nhà chuyên môn yêu cầu sử dụng công nghệ “vạch gôn” trong những trận cầu chuyên nghiệp và quan trọng.
Những tín đồ của môn túc cầu giáo có lẽ đều không thể quên được những quyết định của những ông vua sân cỏ tại những trận đấu quyết định của World Cup 2010.
Trong trận Argentina-Chile, tiền đạo Carlos Tevez của Argentina rõ ràng đã ở trong tư thế việt vị khi ghi bàn thắng mở màn. Hay trước đó, trong trận Anh - Đức, quả bóng của Lampard hoàn toàn đi vào trong cầu môn nhưng đã bị trọng tài và các trợ lý từ chối bàn thắng sau khi bóng nảy ra ngoài.
Quả bóng của Lampard đã hoàn toàn đi vào khung thành nhưng không được trọng tài và các trợ lý công nhận. |
Những người yêu bóng đá cũng như phương tiện truyền thông đều cảm thấy bất bình vì trọng tài. FIFA đã xin lỗi vì những quyết định sai lầm nhưng không thay đổi kết quả trận đấu.
Ông Paul Hawkins, giám đốc công ty Hawk-Eye Innovations (Anh) phát biểu: “Những quyết định này đã làm suy giảm chất lượng trận đấu đáng kể”.
Công ty của Paul là một trong hai đối thủ cạnh tranh trong việc đưa ra giải phải kỹ thuật với tên gọi “quyết định vạch gôn” để xác định, cú sút đã vượt qua vạch gôn hay chưa để có thể tính bàn thắng hợp lệ.
Công ty Mắt Diều hâu của ông đã giành được hợp đồng trong những môn thể thao khác như cricket, tennis và thậm chí là bi-a snooker. Sản phẩm của ông hoạt động dựa trên hệ thống máy quay tốc độ cao nhằm theo dõi hành trình bay của quả bóng. Sau đó, bằng kỹ thuật phân hình ảnh thu được nhờ máy tính, hệ thống sẽ xác định bóng đã vào gôn hay chưa.
Kỹ thuật máy quay tốc độ cao Mắt Diều Hâu được sử dụng trong tennis.
Hiện tại, trong các trận đấu tennis, khi huấn luyện viên, người chơi hay trọng tài tranh cãi về quyết định, họ có thể tìm sự tư vấn chính xác từ máy giám sát Mắt Diều hâu để đưa ra quyết định.
Bên cạnh Hệ thống kỹ thuật dòng ở trên, một giải pháp khác được áp dụng là chèn những con chip vào trong quả bóng, một giải pháp của Adidas có tên gọi “bóng thông minh”.
Giải pháp này của Adidas tương đối khác biệt so với hệ thống của Mắt Diều Hâu. Một con chip nhỏ được đưa vào trong quả bóng và gia cố chắc chắn để chống lại những tác động bên ngoài, dù cho cầu thủ sút mạnh như thế nào.
Bên cạnh sự điều chỉnh về quả bóng, một yêu cầu khác là phải thay đổi cả sân đấu. Trước trận đấu, hai thiết bị nhỏ với từ trường sẽ đặt bên dưới khu vực cấm địa và khung thành.
Những quả bóng được gắn chip bên trong và gia cố chắc chắn.
Những cảm biến sẽ xác định và truyền dữ liệu về một máy tính khác để xử lý và quyết định đó bóng có qua vạch hay không. Chỉ trong vài tích tắc, thông tin truyền từ máy tính về chiếc đồng hồ đeo tay của trọng tài thông báo bàn thắng hợp lệ.
Oliver Braun, giám đốc tiếp thị cho biết: “Việc thông báo bàn thắng hợp lệ hay không cần phải truyền ngay tức khắc từ hệ thống đến trọng tài và tín hiệu truyền cần đảm bảo an toàn. Chúng tôi đang đầu tư hàng triệu euro vào kỹ thuật này. FIFA nói rằng nếu chúng tôi có thể đáp ứng yêu cầu, họ sẽ sử dụng”.
Ông cho biết thêm, những bài kiểm tra tiến hành tại vòng đấu FIFA U17 tổ chức tại Peru năm 2005 đã thành công.
Gần đây, ông Sepp Blatter-chủ tịch FIFA đã giải thích, bóng đá là một trò chơi nhân văn, nên không thể dựa trên công nghệ để điều hành. Con người sẽ là đối tượng duy nhất “chơi, điều hành và kiểm soát trận đấu". Ông Sepp Blatter ám chỉ cả những sai lầm, vì đó đều mang yếu tố con người.
Tuy nhiên, sau những vụ bê bối trọng tài gần đây, Blatter đã nghĩ lai: “Sau những thực tế rõ ràng tại kỳ World Cup này, sẽ không có gì phải nghĩ ngợi khi áp dụng lại công nghệ “vạch gôn”. FIFA sẽ xem xét vấn đề này sau khi World Cup kết thúc”.
Nguồn: DW-World