Fukushima 7 năm sau thảm họa hạt nhân

Ngày 11/03/2018, là đúng kỷ niệm 7 năm thảm họa hạt nhân Fukushima. Cũng như mọi năm, cả nước Nhật đã dừng mọi hoạt động vào đúng 14h46, tức là đúng thời điểm xảy ra trận động đất ngày 11/03/2011, kéo theo sóng thần và thảm họa hạt nhân.

Cũng như mọi năm, một buổi lễ chính thức đã được tổ chức tại Tokyo với sự hiện diện của thủ tướng Shinzo Abe, hoàng tử Akishino và vợ, đại diện cho Hoàng Gia Nhật Bản, cùng với những người sống sót sau thiên tai.

Tổng cộng đã có hơn 18 ngàn người thiệt mạng hoặc mất tích trong trận động đất dữ dội với cường độ 9 và trận sóng thần. Nhưng cũng đã có hơn 3.600 người chết sau đó, đa số là người ở vùng Fukushima, do bị bệnh hoặc tự sát.

Tuy về mặt chính thức, tai nạn hạt nhân Fukushima không gây tử vong cho ai, nhưng nó đã khiến hơn 73.000 người phải tản cư để tránh bị nhiễm phóng xạ.

Trong khi đó, việc khắc phục các hậu quả của tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất kể từ vụ Chernobyl 1986 sẽ còn kéo dài nhiều năm.

Tình hình của các lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fukushima

Hiện giờ người ta vẫn tiếp tục việc tháo dỡ nhà máy hạt nhân này và một bước quan trọng mới sẽ bắt đầu trong năm nay, với việc thu dọn nhiên liệu trong hồ chứa của một trong những lò phản ứng của nhà máy.

Phần lõi của ba lò phản ứng từ số 1 đến số 3 đã bị tan chảy khi xảy ra tai nạn và vẫn cần phải được làm nguội liên tục. Công ty Tepco, tức là công ty khai thác nhà máy, vẫn đang xác định vị trí chính xác của nhiên liệu bị tan chảy trong ba lò phản ứng này, để tiếp đến chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc lấy nhiên liệu đó ra.

Hiện giờ, người ta phải dùng robot để đi vào quan sát bên trong các lò phản ứng. Tepco cho biết là còn phải phát triển các phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc lấy nhiên liệu ra khỏi các lò phản ứng và họ chỉ có thể bắt đầu làm việc này vào năm 2021.


Các bể chứa nước nhiễm phóng xạ đã được xử lý một phần tại Fukushima. (Ảnh chụp ngày 23/02/2017.REUTERS/Tomohiro Ohsumi/Pool).

Tuy nhiên, năm nay Tepco sẽ bắt đầu lấy nhiên liệu ra khỏi hồ chứa của lò phản ứng số 3. Cuối tháng 2 vừa qua, họ đã xây xong một nóc phủ lên hồ chứa để tránh cho chất phóng xạ thoát ra ngoài khi lấy nhiên liệu ra.

Còn tại lò phản ứng số 4, do phần lõi không bị tan chảy, cho nên việc thu dọn nhiên liệu trong hồ chứa của lò phản ứng này đã kết thúc vào cuối năm 2014.

Còn hai lò phản ứng số 5 và số 6 thì không bị hư hại nhiều, cho nên không có nhiều khó khăn đặc biệt.

Xử lý các nguồn nước bị nhiễm phóng xạ

Một khối lượng nước khổng lồ đã được sử dụng để làm nguội các lò phản ứng, ấy là chưa kể lượng nước mưa bị nhiễm phóng xạ khi đi ngang nhà máy hạt nhân. Tổng cộng hiện đã có khoảng 1 triệu mét khối nước nhiễm phóng xạ đang được tích trữ tại khu vực nhà máy, chủ yếu là trong 1 ngàn thùng chứa. Khối lượng nước này gia tăng mỗi ngày. Tuy nhiên, Tepco cho biết là họ đã thành công trong việc giảm nhịp độ tăng khối lượng nước nhiễm phóng xạ.

Từ giữa năm 2017, người ta đã xây một "bức tường băng" để tránh cho nguồn nước chung quanh bị lây nhiễm phóng xạ. Để hạn chế phóng xạ lan ra ra, một bức tường chống thấm đã được dựng lên từ năm 2016 ở phía biển, còn phần đất của nhà máy đã hoàn toàn được bơm đầy bê tông.

Nước nhiễm phóng xạ đã được xử lý một phần, nhưng hiện giờ người ta chưa tìm ra một giải pháp nào để tẩy một trong những đồng vị phóng xạ, đó là tritium. Một số chuyên gia đề nghị là đổ khối lượng nước nhiễm phóng xạ đó ra biển, nhưng chính phủ Nhật chưa lấy quyết định nào. Theo lời ông Satoru Toyomoto, một trong những quan chức đặc trách việc tháo dỡ Fukushima trong bộ Công Nghiệp Nhật, họ đang thảo luận về những phương án khác nhau.

Trữ các chất thải rắn của nhà máy hạt nhân

Công ty Tepco dự trù là sẽ phải trữ 750 ngàn mét khối chất thải rắn từ đây năm 2029, trong đó có một phần là chất thải nhiễm phóng xạ, so với 350 ngàn mét khối năm ngoái. Bốn nhà kho dùng để trữ chất thải rắn đã được xây xong và nhà kho thứ hai đã được khởi công xây dựng vào tháng trước.

Điều kiện làm việc của công nhân tại Fukushima

Khoảng 6000 ngàn người hiện làm việc mỗi ngày tại khu vực nhà máy hạt nhân Fukushima, giảm so với những năm trước. Theo công ty Tepco, điều kiện làm việc của đội ngũ này đang được cải thiện dần dần. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2017 đến 12/2017, có 58 công nhân bị nhiễm hơn 20 millisievert, mức giới hạn hàng năm đối với những người làm việc tại nhà máy hạt nhân, theo thẩm định của Tepco. Trong thời gian từ 4/2016 đến tháng 3/2017, con số này là 216 người.

Vấn đề là trong nhiều thập niên nữa, Tepco vẫn phải cần rất nhiều nhân viên trình độ cao để làm việc ở nhà máy Fukushima, mà hiện giờ trong giới trẻ Nhật Bản ít ai muốn làm việc trong ngành năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, công ty này khẳng định là nhu cầu về nhân công hiện vẫn "ổn định".

Công luận Nhật chia rẽ về năng lượng hạt nhân

Kể từ năm 2015, chính phủ Nhật Bản đã cho khởi động lại các nhà máy hạt nhân của nước này, sau khi đã đóng toàn bộ do thảm họa Fukushima. Nhưng người dân Nhật không hoàn toàn tán đồng việc này. Từ Kyoto, thông tín viên Alexandre Barbe gởi về bài phóng sự:

Thời gian trôi qua, trong tâm trí của người dân Nhật, ký ức về thảm họa này đang dần phai nhạt đi. Ông Kaito tỏ ý lấy làm tiếc: "Tôi có cảm tưởng là mọi người ngày càng bớt ý thức về những gì đã xảy ra, trong khi có rất nhiều việc phải làm trong việc tái thiết. Mọi người phải theo dõi sát tình hình. Bản thân tôi, với tư cách một công dân Nhật, tôi rất muốn làm gì đó cho những vùng bị tai nạn".

Ngoài tái thiết và người tản cư, có một vấn đề đang gây chia rẽ công luận Nhật Bản : xử lý thế nào với các nhà máy điện hạt nhân ? Đối với Yusuke, cần phải khởi động lại các nhà máy đó. Theo anh, nền kinh tế Nhật vẫn phải cần đến năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, phải tính đến các nguy cơ tai nạn hoặc khủng bố, để có một sự cân bằng đúng đắn.

Nhưng đối với cô Seiko, nguy cơ tái diễn thảm họa hạt nhân là quá lớn so với những lợi ích kinh tế. Cô nói:

"Tôi đã từng ở Kobe khi xảy ra trận động đất năm 1995 và ở Tokyo khi có động đất năm 2011. Cho nên tôi nghĩ rằng thảm họa này rồi sẽ tái diễn. Nhật Bản có thật sự cần đến năng lượng nguyên tử hay không ? Kể từ sau tai nạn Fukushima, người ta cứ nói là phải tiết kiệm năng lượng và thực tế cho thấy là chúng ta vẫn sống thoải mái như thế trong khi hầu như toàn bộ ngàng năng lượng hạt nhân ngừng hoạt động. Thế thì vì sao phải khởi động lại các nhà máy điện nguyên tử?

Trong khi chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe muốn tiếp tục khởi động lại ngành năng lượng hạt nhân, chỉ có một phần ba dân Nhật ủng hộ việc này, theo kết quả các cuộc thăm dò.

Do có rất ít tài nguyên thiên nhiên, nếu không có hạt nhân, Nhật chỉ có thể sản xuất được 6% nguồn năng lượng cần thiết, phần chủ yếu là nhập từ nước ngoài. Trong năm 2010, với toàn bộ các nhà máy điện nguyên tử hoạt động, Nhật Bản vẫn chỉ có thể tự túc 20% năng lượng".


Nhìn lại thảm họa sóng thần - hạt nhân Fukushima.

Cập nhật: 17/04/2018 Theo vi.rfi.fr
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video