Các nhà khoa học Đức đang thử nghiệm gắn chip cho ong để tìm hiểu nguyên nhân tại sao có một sự suy giảm lớn "dân số" loài ong trên thế giới.
Trước đây, để theo dõi bầy ong - mỗi bầy có khoảng 50.000 con, có mối liên hệ khá thân thiết với nhau, rất khó tìm hiểu và quan sát chúng - các nhà khoa học cho sơn những dấu màu khác nhau trên lưng chúng, ghi hình lại và căn cứ vào đó để tìm hiểu hoạt động của từng con.
GS Juergen Tautz và các cộng sự ở ĐH Wurzburg (Đức) hiện có một cách thức nghiên cứu khác: gắn microchip RFID (xác định tần số vô tuyến) tí hon trên lưng ong.
Microchip này có khối lượng khoảng 2mg, hoàn toàn phù hợp với khối lượng trung bình 70mg của một con ong. Khi được gắn chip, mỗi con sẽ mang một mã số, và mỗi lần chúng đi ra hay vào tổ đều được một đầu dò gắn phía ngoài tổ ong ghi nhận lại.
Dữ liệu này cho phép các nhà khoa học xác định sức khỏe của mỗi con ong cũng như số lần đi lấy phấn hoa và lượng phấn hoa chúng lấy được. Các nhà khoa học hi vọng công nghệ này sẽ giúp họ khám phá tại sao một loài ong chỉ sống trong 4 tuần và một số loài ong khác có thể sống tới 10 tháng.
Một con ong mật với hai viên phấn hoa lấy được. |
Ngoài việc nghiên cứu loài ong, các nhà khoa học cũng đang huấn luyện những con ong này thành ong đánh hơi, có thể giúp xác định chất nổ hay người đánh bom cảm tử.
Hiện nay có ba loài ong được thử nghiệm cho kế hoạch này với khoảng 150.000 con, tuy nhiên chi phí nghiên cứu khá đắt do việc thu hồi các microchip (mỗi microchip giá khoảng 1,2 USD) khá khó khăn khi những con ong chết trên đường đi lấy mật hoặc chết bên ngoài tổ của chúng.