Tẩm thuốc ngừa thai vào hạt là cách mà các nhà khoa học Mỹ muốn áp dụng để giảm tốc độ sinh sôi chóng mặt của sóc xám, một loài động vật gặm nhấm có thói quen phá hoại cây cối và hoa màu.
Do mùa đông ngày càng trở nên ấm hơn và hạt hạch trở nên dồi dào hơn, người dân tại nhiều bang của Mỹ đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng của sóc xám. Tuy sở hữu ngoại hình đáng yêu, nhưng sóc xám thực sự là những kẻ phá hoại đáng sợ. Chúng tàn phá cây lương thực trong các nông trại, cắn dây điện, tước vỏ cây, National Geographic đưa tin.
Để ngăn chặn sự bùng nổ số lượng của sóc xám, kiểm soát hoạt động sinh sản của chúng là giải pháp tối ưu nhất. Nhưng chắc chắn sóc xám sẽ không tự nguyện uống thuốc ngừa thai. Ngay cả khi chúng sẵn sàng uống thuốc ngừa thai thì những loại thuốc ngừa thai hiện nay cũng quá to so với họng của chúng.
Sóc xám là loài vật đáng yêu đối với nhiều người dân Mỹ, song cũng là hiểm họa của nông dân.
Các nhà khoa học có hai lựa chọn. Họ có thể dùng vắc-xin để ngăn chặn quá trình sản xuất hoóc môn dục tính của sóc, hoặc giảm nồng độ cholesterol trong cơ thể chúng. Cholesterol là chất tạo nên những hoóc môn dục tính.
Ưu điểm lớn của biện pháp tiêm vắc-xin là một mũi tiêm có thể phát huy tác dụng và tác dụng ấy kéo dài nhiều năm.
"Nhưng bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian để bắt từng con sóc. Tiêm cho sóc cũng không phải việc dễ dàng. Ngoài ra, chi phí cho mỗi mũi tiêm lên tới 50 USD, một con số khá lớn", nhà nghiên cứu Christi Yoder, người từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Thiên nhiên quốc gia tại bang Colorado, cho biết.
Một nhóm chuyên gia của Đại học Clemson tại bang Carolina nảy ra ý tưởng khác: Sử dụng DiazaCon, một loại thuốc làm giảm cholesterol.
Trước khi đề xuất ý tưởng dùng DiazaCon, nhóm chuyên gia đã nghiên cứu tác dụng của nó đối với sóc xám trong gần 10 năm. Họ mất hơn 100 cây vì thói quen tước vỏ cây của sóc và chi hơn một triệu USD cho việc trồng, chăm sóc và đốn cây chết vì sóc.
Năm nay các nha khoa học bắt đầu tẩm thuốc DiazaCon vào hạt hướng dương đen - một trong những món ăn khoái khẩu của sóc xám - tại 16 vị trí mà sóc thường xuất hiện trong khuôn viên Đại học Clemson.
"Những hạt hướng dương đen bị tẩm thuốc nên chuyển sang màu hồng, song lũ sóc không quan tâm. Tôi thấy chúng ăn hạt hướng dương một cách say sưa", Kristina Dunn, trưởng nhóm dự án tẩm thuốc DiazaCon vào hạt hướng dương, phát biểu.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục ném hạt hướng dương đen bị tẩm thuốc trong năm sau. Trong quá trình đó họ sẽ theo dõi hành vi, hoạt động sinh sản của sóc xám để đánh giá tác dụng của thuốc DiazaCon. Họ cũng tìm hiểu xem thuốc gây nên tác dụng phụ ở sóc và những động vật săn mồi ăn chúng hay không.