Giả thuyết về việc "Moses tách nước ở biển Đỏ cứu dân Do Thái"

Câu chuyện "ông Moses tách nước biển ra làm 2 để đoàn người Do Thái có thể băng qua, sau đó nhấn chìm truy binh Ai Cập" là một phép lạ nổi tiếng trong Kinh Thánh Công Giáo. Câu chuyện này được truyền bá hết sức rộng rãi qua hàng nghìn năm và nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh cũng có đề cập đến như một quyền năng của Thiên Chúa thể hiện thông qua nhân vật Moses. Dưới ánh sáng khoa học, tiến sĩ Parker tại Trung tâm hải dương học Hoa Kỳ (NOAA) cũng tìm cách lý giải huyền thoại này và ông cho rằng chính chế độ thủy triều đặc biệt, cộng với sự hiểu biết địa lý, thiên văn của ông Moses chính là chìa khóa cho một kế hoạch đầy táo bạo. Vậy thật ra làm thế nào mà một con người có thể tách được nước biển ra làm đôi? Liệu có bàn tay giúp đỡ của Đấng siêu nhiên?


Nhân vật Moses trong bộ phim "Exodus: Gods and Kings"​

Sơ lược về câu chuyện

Moses (Tiếng Latin: Moyses, tiếng Việt đọc là Mô-sê hoặc Môi-sê) là một lãnh tụ, nhà tiên tri, người công bố luật pháp theo Kinh Thánh Công Giáo. Ông là người được Thiên Chúa mời gọi dẫn dắt dân tộc Do Thái thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Theo ký thuật của Kinh Thánh, Moses là con của một phụ nữ Do Thái và được nhận nuôi để trở thành một thành viên Hoàng gia Ai Cập (khi đó Pharaoh ban hành lệnh giết các bé trai người Do Thái). Sau khi lớn lên, ông được Thiên Chúa kêu gọi thực hiện sứ mạng giải phóng dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ, băng qua Biển Đỏ, tiến vào hoang mạc và trở về miền Đất Hứa.


Nhân vật Moses trong bộ phim "10 điều răn" của đạo diễn Cecil B. DeMille hồi năm 1956

Trong cuộc lữ hành, ông Moses đã mượn quyền năng của Thiên Chúa để thực hiện nhiều phép lạ và một trong số đó là tách nước biển ra làm đôi, để đoàn dân có thể đi qua dưới đáy biển và tiến tới bờ bên kia. Ngay khi lên bờ thì đoàn truy quân Ai Cập cũng vừa đến và khi đó, ông giang tay trên mặt biển, khép bức tường nước lại để nhấn chìm toàn bộ đạo quân. Câu chuyện trên là chủ đề cho rất nhiều bộ phim sử thi, nổi tiếng nhất là "Mười điều răn" của đạo diễn Cecil B. DeMille hồi năm 1956 hoặc sắp tới sẽ là "Exodus: Gods and Kings" của đạo diễn Ridley Scott (dự kiến ra mắt 12/12/2014) đều có đề cập đến phép lạ này.

Lý giải "khoa học" của đạo diễn Ridley Scott


Cảnh quay đoàn người của Moses vượt qua biến Đỏ trong bộ phim "Exodus: Gods and Kings" của đạo diễn Ridley Scott​

Đạo diễn Scott cho biết trong bộ phim lần này, câu chuyện "tách nước" sẽ được ông khai thác dưới khía cạnh "khoa học hơn" thay vì xem nó như một quyền năng của Thiên Chúa. Theo đó, Scott lý giải khả năng tách nước biển là do một trận động đất dẫn đến sóng thần, và trước khi sóng thần ập đến, vùng nước ven biển thường rút rất xa ra ngoài, để lại phần đáy biển cạn trước khi cơn sóng dữ đến. Tuy nhiên, cách lý giải trên xuất hiện 1 vấn đề: Thời gian nước rút trước cơn sóng thần chỉ khoảng từ 10 đến 10 phút, quá ít để toàn bộ đoàn người Do Thái có thể băng qua đáy biển cạn tạm thời.

Hơn nữa, ông Moses không thể nào biết được trận động đất và cơn sóng thần sắp diễn ra trừ khi Thiên Chúa nói với ông ta. Dĩ nhiên, cách lý giải vừa khoa học, vừa huyền diệu này khá phù hợp với một bộ phim sử thi như "Exodus: Gods and Kings". Tuy nhiên, các nhà khoa học có nhiều lý giải khác dựa trên tự nhiên để có thể hình thành nên một con đường tạm thời dưới lòng biển Đỏ. Theo đó, điểm mấu chốt chính là thủy triều, một hiện tượng tự nhiên đã được Moses tính toán, phối hợp với kế hoạch táo bạo của Moses. Với điều này, ông Moses hoàn toàn có thể dự đoán khi nào "con đường" sẽ xuất hiện.

Từ kiến thức uyên thâm đến một kế hoạch táo bạo của "nhà thủy văn học Moses"


Tranh vẽ cảnh Napoleon và nhóm binh lính đang vượt qua vịnh Suez vào 28/12/1798, nơi được cho là Moses cũng từng dẫn đoàn người vượt biển​

Trên thực tế, có nhiều địa điểm trên thế giới mà tại đó, thủy triều có thể xuống thấp nhất, để lộ ra một dải đất dưới đáy biển cạn, tạo thành một con đường trong vài giờ và sau đó khi thủy triều lên, con đường sẽ nhanh chóng biến mất. Vào năm 1798, hoàng đế nước Pháp Napoleon Bonaparte và một nhóm binh lính của ông đã cưỡi ngựa băng qua vịnh Suez (đầu phía bắc của Biển Đỏ chia thành 2 nhánh bởi bán đảo Sinai tạo thành 2 vịnh là Suez ở phía tây và Aqaba ở phía đông). Đây cũng là nơi được cho là Moses cùng người dân vượt qua biển Đỏ. Tại đây, khi thủy triều xuống thấp, một dải đất cạn dài khoảng 1 dặm (khoảng 1,6km) lộ ra bên dưới đáy biển, nhưng sau đó, thủy triều đột nhiên dâng cao và khiến nhiều binh lính của Napoleon chết đuối.

Theo ghi chép trong sách Xuất Hành (thuộc Kinh Thánh Cựu Ước), người Do Thái đã cắm trại 2 lần trước khi vượt biển, lần cuối là tại bờ phía Tây của vịnh Suez. Khi đó, truy binh của Pharaoh đã đuổi gần đến, người ta có thể thấy những đám mây bụi do đoàn xe ngựa gây ra từ khoảng cách khá xa. Đây là một dấu hiệu khác quan trọng đối với Moses, giúp ông có thể tính toán được bao lâu thì quân đội Ai Cập sẽ đuổi tới bờ biển.

Trong một thời gian dài, Moses đã sống gần những vùng đất hoang dã và ông biết được rằng sẽ chọn điểm nào tại bờ biển để đoàn lữ hành có thể băng qua Biển Đỏ khi thủy triều xuống thấp. Ông có kiến thức về thiên văn, quan sát bầu trời đêm và bằng các phương pháp có từ thời cổ đại, ông có thể dự đoán được hoạt động của thủy triều dựa trên vị trí và mức độ tròn, khuyết của Mặt Trăng. Ngược lại, Pharaoh và các cố vấn lại sống dọc theo sông Nile, nối liền với Địa Trung Hải, nơi thủy triều chênh lệch rất thấp, chỉ khoảng vài cm. Do đó, đội quân của Pharaoh có thể hiểu biết rất ít về thủy triều và không biết được sự nguy hiểm mà họ phải đối mặt.


Bản đồ khu vực vịnh Suez​

Đoán được khi nào thủy triều xuống thấp, dải đất bên dưới khi nào sẽ xuất hiện và tồn tại trong bao lâu cũng như khi nào nó sẽ biến mất đột ngột, Moses hoàn toàn có thể lên kế hoạch giúp đoàn dân Do Thái trốn thoát. Do đó, ông đã chọn ngày trăng rằm cho chuyến vượt biến do lúc đó, khoảng thời gian giữa cực đại cực tiểu là lớn nhất và đoàn người sẽ có thêm thời gian để băng qua. Đồng thời, đây cũng là lúc thủy triều xuống thấp hơn bình thường, và đỉnh triều cũng cao hơn bình thường, phù hợp để nhấn chìm đạo quân của Pharaoh.

Xác định thời gian chính xác là điểm mấu chốt để kế hoạch diễn ra hoàn hảo. Moses phải tính toán sao cho người dân Do Thái cuối cùng vừa băng qua dải đất dưới đáy biển và thủy triều sẽ dâng lên ngay lập tức. Khi đó, truy binh Ai Cập cũng đã đuổi theo sát nút phía sau đã lọt vào trong cái bẫy giăng sẵn. Nếu như đội kỵ binh và xe ngựa đuổi kịp trước khi thủy triều dâng lên, Moses sẽ chuẩn bị sẵn một số chiến thuật trì hoãn. Ngược lại, nếu truy binh tới sau khi thủy triều lên, nhiều người đã vượt biển an toàn và Moses có thể cho một số người của ông quay trở lại đáy biển để dụ đoàn quân đuổi theo nhằm đảm bảo tiêu diệt được.


Nơi đoàn người của Moses vượt biển Đỏ​

Kinh Thánh đã đề cập tới những cơn gió mạnh từ phía Đông đã thổi suốt đêm và đẩy nước dạt sang 2 bên. Các nhà vật lý đại dương cho biết rằng gió thổi qua trên các dòng chảy nông thường mang nhiều nước đi hơn so với khi thổi qua các vực nước sâu. Do đó, con gió mạnh ngẫu nhiên thổi suốt đêm này sẽ giúp mực nước xuống thấp hơn nữa, cung cấp thêm cơ hội cho sự thành công trong kế hoạch của Moses. Trong suốt hàng thế kỷ qua, người ta tin rằng sự xuất hiện của cơn gió này chính là Thần Thánh đã can thiệp vào để giúp đỡ đoàn dân. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là Moses có biết được thuận lợi mà cơn gió mang tới hay không. Nhưng một điều chắc chắn rằng ông xem dự báo thủy triều là yếu tố quyết định.

Khi Napoleon và binh lính của ông gần như chết đuối toàn bộ hồi năm 1798 tại điểm cực Bắc vịnh Suez, mực nước lúc thủy triều xuống thấp vào khoảng 1,5 đến 1,8 mét (có thể tới 2,7 đến 3 mét nếu gió thổi đúng hướng). Tuy nhiên, theo các bằng chứng sót lại thì mực nước biển thời Moses là cao hơn so với lúc Napoleon vượt biển. Do đó, vịnh Suez sẽ mở rộng dài hơn về phía Bắc và phạm vi thủy triều cũng lớn hơn. Và nếu điều này là sự thật thì việc khi thủy triều lên cao, "bức tường nước" hoàn toàn có thể nhấn chìm được đoàn quân Ai Cập như lời chép lại trong Thánh Kinh.


Tranh vẽ minh họa cảnh Moses đang dẫn dắt đoàn người Do Thái vượt biển​

Nếu thật sự, tất cả diễn biến quá trình thực hiện kế hoạch của Moses đều diễn ra như những giả thuyết trên thì ông xứng đáng trở thành nhà dự báo thủy triều vĩ đại trong lịch sử chứ không chỉ đơn thuần là phép lạ của Chúa Trời. Có chăng Thiên Chúa đã tạo nên cơn gió mạnh thổi suốt đêm giúp kế hoạch được hoàn thiện hơn, nhưng theo các bằng chứng trên thì rõ ràng, phần lớn kế hoạch do Moses vạch ra dựa trên kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm của ông. Toàn bộ câu chuyện trên đã được tiến sĩ Parker viết trong cuốn sách: "Sức mạnh của biển cả: sóng thần, bão giật, sóng độc và nhiệm vụ dự đoán thiên tai của chúng ta".

Cập nhật: 13/11/2024 Theo Tinh Tế, WSJ, Wiki, Bible, Thepowerofthesea,
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video