“Giải bóng đá Đức mở rộng” dành cho robot

Giải bóng đá dành cho robot là một cuộc tranh tài công nghệ cao đầy tham vọng dành cho các trường Đại học, Viện nghiên cứu và giới công nghiệp. Một số giải đã được lên lịch cho năm 2008 mà quy mô nhất là “Giải vô địch Đức mở rộng RoboCup”. Từ ngày 21 đến 25 tháng 04, trên 40 nhóm nghiên cứu từ hơn 15 nước sẽ đối mặt tại Hannover Messe. Qua hàng loạt trận đấu, các nhóm này sẽ cho khán giả thưởng thức những công nghệ mới nhất của họ.

Đối với máy móc thì một trận bóng đá là một nhiệm vụ có độ phức tạp cực cao. Robot phải có khả năng nhận ra quả bóng, đường biên và cột gôn ngoài việc phân biệt đội nhà và phía đối thủ. Để thực hiện được những điều này, chúng được trang bị tất cả các dạng công nghệ cao như: máy ảnh và bộ cảm ứng để quét chụp môi trường xung quanh, bộ xử lý bên trong để chuyển đổi dữ liệu để xác định chiến thuật và sách lược phòng thủ, và những động cơ tân tiến cho phép những cầu thủ tự động này di chuyển trên sân và bất ngờ vượt đối thủ.

Hiện nay có 9 nhóm, mỗi nhóm hướng tập trung vào một loại hình công nghệ khác nhau. Trong nhóm cỡ trung, robot di chuyển bằng các bánh xe. Mỗi đội có một thủ thành và 4 cầu thủ thi đấu trên sân có kích thước 20x14m với cầu gôn tiêu chuẩn. Chúng phải có khả năng hoạt động hoàn toàn độc lập và được trang bị hệ thống camera gắn trong để xử lý thông tin thời gian thực. Hơn nữa, robot có thể di chuyển lên đến vận tốc 2m/giây.

Tại cuộc thi RoboCup, robot hai chân tự động là một trong những loại hình robot được đưa vào thi đấu. (Ảnh: Fraunhofer IAIS)

Những “cầu thủ” tự động khác, ví dụ như chú chó robot Aibo của Sony, chạy trên bốn chân máy. Và những cầu thủ hai chân đã phải tranh tài với nhau tại RobotCup từ năm 2005. Theo Tiến sĩ Ansgar Bredenfeld, người điều hành RoboCup tại IAIS thì “Những robot giống người đã tiến khá xa trong những năm gần đây. Giống như những cầu thủ thực thụ, chúng ngã rồi lại đứng lên, tự động đuổi theo quả bóng và ghi bàn.”

RoboCup có ý nghĩa nhiều hơn là một giải đấu bóng đá. Kể từ năm 2006, ban tổ chức đã đưa vào hạng mục “RoboCup Home” (Robot giúp việc nhà), một cuộc thi dành cho các robot dịch vụ. Trong một căn phòng tự tạo, các robot phải đi đến tủ lạnh, nhặt rác thải và nhận diện người. Còn trong hạng mục “RoboCup-Rescue” (Robot giải cứu), các robot phải hoàn thành một vòng đua vượt chướng ngại vật.

Theo Giáo sư Stefan Wrobel, Giám đốc điều hành tại IAIS, thì “RoboCup đã thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ theo cách mà nếu không có nó, điều này sẽ không thể xảy ra. Nhiều công nghệ vốn chỉ được thiết kế dành riêng cho robot cầu thủ đã có mặt ở các ứng dụng khác, ví dụ như xác định phương hướng ở những robot điều tra.” Robot tự cắt cỏ hoặc thu các mẫu từ đáy biển cho các nhà nghiên cứu đại dương cũng được trang bị bằng công nghệ của RoboCup.

Những người dự thi dưới 20 tuổi sẽ có giải đấu của riêng mình “RoboCupJunior”, diễn ra cùng lúc với giải “RoboCupSenior”. Ngoài các giải bóng đá cho robot, các nhà khoa học tương lai còn có thể tham gia vào RoboDance (robot khiêu vũ) và RoboRescue( đua vượt chướng ngại vật). Những giải này cực kỳ phổ biến: khoảng 300 đội đã đăng ký tranh tài năm nay. Để có mặt tại Hannover, các đội phải có thành tích tốt tại 1 trong 3 giải trên. Wrobel cho biết “RoboCupJunior là một sự kiện rất quan trọng, vì nó khơi gợi niềm đam mê dành cho các khóa học khoa học kỹ thuật ở thanh thiếu niên.”

Giải đấu này do Viện Phân tích trí tuệ và Hệ thống thông tin Fraunhofer, đặt tại Sankt Augustin, tổ chức và điều hành.

Tuệ Minh (Theo ScienceDaily)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video