Giải cứu Trạm vũ trụ quốc tế

Các phi hành gia vừa đi bộ ra ngoài không gian suốt bảy giờ để sửa chữa một tấm thu năng lượng mặt trời trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đây được xem là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất trên ISS từ trước đến nay.

Theo Hãng tin AP, tấm thu năng lượng mặt trời này bị rách một mảng, khiến nó không thể dãn toàn bộ chiều dài khoảng 35m. Đây là tấm năng lượng gây ra nhiều sự cố về điện liên tục trên ISS thời gian gần đây. Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) coi việc vá miếng rách là ưu tiên hàng đầu bởi miếng rách có thể bị xé rộng ra, hủy hoại toàn bộ tấm thu năng lượng. Nếu kịch bản này xảy ra, kế hoạch xây dựng ISS sẽ bị đình trệ, và các chuyến bay của các tàu con thoi lên ISS vào tháng mười hai sẽ bị hoãn.

Bốn giờ căng thẳng

Phi hành gia Scott Parazynski thực hiện mối gút đầu tiên (Ảnh: TTO)

Phi hành gia Mỹ Scott Parazynski được giao nhiệm vụ vá lại miếng rách với sự hỗ trợ của đồng nghiệp Douglas Wheelock. Hãng tin AFP cho biết vào ngày 3-11, ông Parazynski đã được đưa ra ngoài không gian trên một cánh tay robot dài khoảng 30m. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi chạm vào tấm thu năng lượng lay động không ngừng cũng đồng nghĩa với nguy cơ đến tính mạng. Luôn luôn có một dòng điện 300 volt chạy qua tấm thu và phi hành gia có thể bị điện giật.

Theo BBC, toàn bộ dụng cụ sửa chữa của ông Parazynski đều được quấn băng cách điện. Phi hành gia Parazynski đã phải rất khéo léo luồn thiết bị sửa chữa qua các lỗ trên tấm thu năng lượng để vá lại miếng rách. Ông đã cắt những dây mạch là nguyên nhân gây ra vết rách, và "khâu" lại bằng năm dây gút do các phi hành gia trên ISS tự chế từ dây điện. Còn ông Wheelock đứng gần đó quan sát và trao đổi với các chuyên gia trên ISS.

AFP dẫn lời Parazynski cho biết rất khó để thao tác một cách chính xác khi đeo đôi găng tay bảo hộ dày cộp. Trong khi sửa, có lúc ông mệt mỏi đến mức đã để tuột dụng cụ cắt khỏi tay nhưng kịp thời chộp lại. Vài giờ sau đó, ông đánh rơi một chiếc kềm. Các phi hành gia trên ISS phát hiện chiếc kềm trôi lơ lửng trong không gian ở khu vực gần đó. Tuy nhiên, Parazynski cho biết không thể lấy lại được chiếc kềm và buộc phải để mất nó.

Toàn bộ hoạt động sửa chữa được truyền hình trực tiếp đến ISS và trung tâm điều hành NASA dưới mặt đất. Trên chiếc mũ của hai phi hành gia cũng gắn tai nghe, cho phép họ nghe được toàn bộ những bàn luận và chỉ dẫn. Sau hơn bốn giờ đầy căng thẳng, cuối cùng Parazynski cũng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Tấm thu năng lượng mặt trời đã dãn ra một cách êm ái hết toàn bộ chiều dài của nó. Khi Parazynski ra dấu hiệu mọi việc đã hoàn thành, đáp lại là những tràng pháo tay và lời hô vang chúc mừng thắng lợi trên ISS và từ trung tâm điều hành NASA.

Phi hành gia Scott Parazynski cột mình vào đầu cánh tay robot, sửa tấm thu năng lượng (Ảnh chụp từ video của NASA, TTO)

Bác sĩ vá tàu

Màn ăn mừng thắng lợi phải hoãn đến khi Parazynski cùng đồng sự quay trở lại ISS. Rất may mắn là cánh tay robot được thu về một cách êm ái và an toàn sau một giờ. Đó cũng là khoảng thời gian Parazynski đi ra nơi sửa chữa trên cánh tay robot. Khi vào trạm ISS, đáp lại những cái vỗ vai và những lời chúc mừng, Parazynski nói một cách giản dị: "Thật là một vinh dự".

Chỉ huy con tàu Discovery khẳng định không có nhiều phi hành gia đủ khả năng đảm đương công việc mà Parazynski đã hoàn thành. Tuy nhiên rất khiêm tốn, Parazynski cho biết nguyên nhân đơn giản là vì các phi hành gia khác chưa có cơ hội thực hiện nhiệm vụ đó. Parazynski, 46 tuổi, từng là một bác sĩ cấp cứu trước khi trở thành phi hành gia NASA vào năm 1992.

AP cho biết hiện NASA vẫn còn đang điều tra nguyên nhân một khớp quay của ISS bị trục trặc. Trong một cuộc đi bộ ra ngoài không gian mới đây, các phi hành gia đã phát hiện vụn thép trong khớp quay này. Tàu Discovery sẽ mang các mẫu vụn này về mặt đất để xác định nguồn gốc của chúng.


(Ảnh: NASA)

HIẾU TRUNG

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video