Giải mã bí ẩn một kiến trúc cổ ven sông

Mới đây, trong quá trình khai quật khảo cổ tại di tích Thiên Long Uyển tại thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) theo Quyết định số 2265/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Khi khai quật khảo cổ gần 300m2 tại khu vực Đầm nhà Mạc, các nhà khảo cổ đã phát hiện hệ thống cột gỗ nằm sâu dưới lòng đất 1m.


Hệ thống cột gỗ nhỏ và các cây gỗ nhỏ phát lộ sau khai quật.

Khu vực Đầm nhà Mạc ở xã Yên Đức nằm bên tả ngạn sông Bạch Đằng, phía Nam núi Thiêu Liêu. Dưới thời Trần, nơi này gọi là Thiên Liêu sơn, thuộc trang Ma Liêu. Trong dãy núi Thiêu Liêu có địa danh được gọi là Thiên Long Uyển bởi tại đây có bia khắc trực tiếp vào núi đá 3 chữ Thiên Long Uyển bằng chữ Hán, được dịch là “vườn nghìn rồng”.

Cách bia Thiên Long Uyển khoảng 100 m về phía Đông là tấm bia Tam Bảo địa tức đất Tam Bảo, cũng khắc trực tiếp vào vách núi đá, niên hiệu Thiệu Phong thứ 8 (1348), đời vua Trần Dụ Tông, ghi chép việc công chúa Bảo Hoàn và Trần Khắc Chung cúng đất trang Ma Liêu làm của Tam Bảo (của nhà Phật, của chùa). Phía Nam tấm bia này còn có một ngôi chùa của thôn.

Hệ thống cột gỗ xuất lộ trong đợt khai quật khảo cổ lần này bao gồm 11 cột gỗ lớn và 3 dấu cột có đường kính trên 40cm cùng các cột gỗ nhỏ. Hệ thống các cột gỗ theo hàng với khoảng cách đều các cột là 3m, có những cột còn nguyên vỏ gỗ, được xác định là gỗ sến, các cột gỗ to đều có dấu vết chế tác lưu lại trên thân gỗ. Hiện có cột gỗ lớn đã nghiêng 45 độ về phía Bắc. Các đáy cây cột gỗ đều phẳng, được dựng lắc cột chứ không đóng, chôn chân cột.


Các cột gỗ lớn được chôn thẳng hàng với khoảng cách đều nhau.

Câu chuyện những cọc gỗ lớn tại khu vực các đầm ven sông xã Yên Đức đã từng gây xôn xao dư luận bởi nhiều ý kiến cho rằng đây là “cọc Bạch Đằng” và khu vực đầm bãi này cũng nằm trong hệ thống các bãi cọc của chiến trận năm xưa.

Tuy nhiên, kết quả khai quật khảo cổ học gần đây, đặc biệt là lần khai quật này đã tiếp tục cho thấy một bất ngờ thú vị khác. Theo TS Nguyễn Văn Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, chủ trì khai quật tại đây nhận định, thì đây là hệ thống cột kiến trúc công trình nhà. Bởi các cột ở đây khá khác biệt với “cọc Bạch Đằng”: Các cột gỗ thường có các mộng đơn giản ở một đầu, tạo bằng cách cắt một khấc hình chữ nhật vào thân cột.

Các nhà khoa học cũng đưa ra nhận định, cùng với các di vật khảo cổ đồ đồng, đồ gốm thu được sau nhiều lần khai quật khảo cổ tại địa phương, có thể các cột gỗ sến là các kiến trúc nơi cư trú của cư dân tại đây rất sầm uất và trù phú ở trước cửa sông Bạch Đằng từ khoảng thế kỷ III, IV trước Công nguyên và có liên quan đến nền văn hóa Đông Sơn.

Cùng với giám định C14 trong nước, các mẫu cột gỗ được khai quật tại đây đã được gửi đi giám định tại Anh và tiếp tục gửi sang Australia giám định niên đại.


Chiếc cột gỗ lớn đã nghiêng trong lòng đất.

Trước đó, Viện Khảo cổ học cũng đã tiến hành khai quật di tích Đầm Lải cùng trong thôn Đức Sơn, xã Yên Đức đã tìm thấy những cột gỗ khá lớn, có đường kính dao động từ 19 đến 30 cm, nhiều cột gỗ chỉ nằm dưới mặt đầm khoảng 10 cm và dài khoảng 1 m, được đóng chắc chắn xuống các lớp đất phía dưới, thậm chí có cột còn xuyên tới lớp đất sét là tầng đất gốc của vỏ trái đất.

Viện Khảo cổ học đã đánh giá: Căn cứ vào hình dạng, sự phân bố của các cột gỗ phát hiện được ở đây và so sánh với những cọc gỗ phát hiện được ở một số di tích liên quan đến chiến trận Bạch Đằng như Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối, khu vực Yên Giang, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), bước đầu xác định những cột gỗ phát hiện được ở Đầm Lải mang nhiều nét khác biệt.

Cột được chế tác cẩn thận hơn, một số vẫn thấy dấu vết chế tác lưu lại trên thân cột; có cột được đục vào thân như kiểu tạo lỗ mộng và được đóng theo một trật tự nhất định...Và cho rằng những cột gỗ ở Đầm Lải có thể liên quan nhiều hơn đến một hay nhiều công trình kiến trúc nào đó.

Địa tầng Đầm Lải cho thấy tính chất của một khu vực bờ bãi ven sông. Do vậy, hệ thống cột phát hiện được ở đây có thể liên quan đến những công trình cổ kiến trúc ven sông có niên đại vào thế kỷ III, IV trước Công nguyên.

Đánh giá sơ bộ về kiến trúc gỗ hàng nghìn năm tại đây đã cho thấy đây là di sản rất quý. Vì cho đến nay, những kiểu kiến trúc ven sông, lại là kiến trúc bằng gỗ được phát hiện rất hiếm. Các nhà khoa học tiếp tục tìm các dấu tích để khẳng định thật rõ ràng về quy mô, cấu trúc, mối quan hệ cụ thể giữa các cột gỗ...

Từ nhiều năm nay, Thiên Long Uyển được giới nghiên cứu khoa học rất quan tâm. Đặc biệt, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng, khu vực núi Thiên Liêu có gắn với chiến trường Bạch Đằng trong chiến trận đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Việc xuất hiện “vườn nghìn rồng” ở đây khiến một số nhà nghiên cứu đặt vấn đề, liệu đây có phải là nơi hai vua Trần đặt đại bản doanh chỉ huy trận Bạch Đằng năm xưa?

Việc giải mã vị trí, vai trò của Thiên Long Uyển trong Chiến trận Bạch Đằng năm 1288 và nơi cư trú của cư dân sầm uất và trù phú ở đây vào thời nhà Trần trong tổng thể di tích Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 tiếp tục có cơ hội được hiện thực hóa để có phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.

Cập nhật: 26/01/2021 Theo Đại Đoàn Kết
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video