Giải mã bí ẩn của cá voi kỳ lân

  •  
  • 2.520

Trong hàng trăm năm, mục đích sử dụng chiếc ngà của kỳ lân biển, hay cá voi kỳ lân, đã làm rối trí các nhà khoa học. Đó là một bí ẩn của sự tiến hóa đi ngược với rất nhiều quy luật về răng của các loài thú được biết đến tới nay.

Một nghiên cứu mới đây phỏng đoán loài cá voi này sử dụng ngà của nó để xác định độ mặn của nước và tìm kiếm thức ăn. Và con đực có thể cọ xát ngà vào nhau như là một giác quan chưa hề được biết tới.

Kỳ lân biển có chiều dài 4-4,5 mét và cân nặng khoảng 1-1,6 tấn. Nhiều con có một chiếc răng (hay ngà) dài 2,4 mét, trổ ra ở bên trái của hàm trên. Rãnh xoắn độc nhất trên chiếc ngà này, sự bất cân xứng của nó sang phía trái và sự hiện diện kỳ lạ của nó trên hầu hết các con đực và một số con cái đều là những đặc điểm độc nhất vô nhị về răng trong các loài thú.

Sau 4 chuyến đi tới vùng Bắc cực cận Canada để nghiên cứu kỳ lân biển, Martin Nweeia từ Trường Nha khoa Havard đã khám phá ra rằng răng của kỳ lân biển, mặc dù bề ngoài cứng rắn, song lại có khả năng nhạy cảm đáng nể. Với 10 triệu mối liên kết thần kinh nhỏ xíu chạy từ trung tâm thần kinh của ngà tới bề mặt bên ngoài, chiếc ngà giống như một cái màng có bề mặt ngoài cực nhạy và có thể phát hiện những thay đổi rất nhỏ trong nhiệt độ, áp suất nước biển.

Vì kỳ lân biển có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong nước, chúng có thể nhận ra độ mặn của nước cũng như những xao động xung quanh con mồi, và điều này sẽ giúp chúng sống sót trong môi trường băng giá Bắc cực.

Trước kia, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích về mục đích và chức năng của chiếc ngà này, mặc dù chưa có ý kiến nào được chấp nhận dứt khoát. Một trong những giả thuyết phổ biến cho rằng chiếc răng dài kỳ lạ được dùng để thể hiện sự gây hấn giữa các con đực, trong cuộc chiến giành ngôi thứ. Giả thuyết khác cho rằng đó là một đặc điểm giới tính phụ, giống như bộ lông của chim công đực hay chiếc bờm sư tử đực.

Phát hiện mới đây đã mở ra hướng mới trong điều tra khoa học.

Theo VnExpress
  • 2.520