Giải mã mảnh "da người" trên cửa nhà thờ Trung Cổ

Các mảnh da đóng đinh trên cửa một số nhà thờ thời Trung Cổ thực chất không phải của kẻ cướp người Đan Mạch bị trừng phạt theo truyền thuyết.

Cuối thế kỷ 19, trong quá trình tu sửa nhà thờ St. Botolph ở Hadstock, gần Cambridge, người ta phát hiện một mảnh da lớn dưới các thanh kim loại của một ô cửa. Truyền thuyết cho rằng mảnh da thuộc về một kẻ cướp người Đan Mạch (Viking) đã cố gắng cướp phá nhà thờ vào thế kỷ 11. Sau đó, hắn bị lột da và đóng đinh vào cửa để răn đe.

St. Botolph không phải nhà thờ duy nhất với "da người" ở cửa trước. Tại Anh, ít nhất 3 kiến trúc khác thời Trung Cổ có mảnh da như vậy, gồm nhà thờ St. Michael, nhà thờ All Angels và tu viện Westminster.


Mảnh da và một chiếc bản lề từ của nhà thờ St. Botolph ở Hadstock, Anh. (Ảnh: Bảo tàng Saffron Walden).

Trước đây, các nhà khoa học muốn tìm hiểu xem những truyền thuyết này có thật hay không và đã tiến hành phân tích một số mẫu vật. Tuy nhiên, việc chúng thực sự là da gì vẫn gây tranh cãi. Những năm 1970, Ron Reed, chuyên gia về da tại Đại học Leeds phân tích mẫu da tại St. Botolph và kết luận đó là da người, có thể từ người với mái tóc sáng màu hoặc xám. Tuy nhiên, trong chương trình BBC Blood of the Vikings năm 2001, kết quả phân tích ADN lại cho thấy mẫu da có nguồn gốc từ họ Trâu bò (Bovidae), dù không thể khẳng định là chính xác hoàn toàn.

Tại Hội nghị Khoa học Khảo cổ Anh 2022 (UKAS), chuyên gia Ruairidh Macleod cùng đồng nghiệp phân tích kỹ hơn mảnh da tại cả 4 địa điểm bằng cách sử dụng một kỹ thuật không phá hủy gọi là ZooMS. Kỹ thuật này hé lộ trình tự collagen peptide trong mẫu vật, cho phép các nhà khoa học xác định mẫu thuộc về loài vật nào. Trong trường hợp này, họ dùng tẩy cao su tác động lên bề mặt da, sau đó chiết xuất các peptide bám vào vụn tẩy.

Kết quả, không có mẫu nào là da người. Hai mẫu tại nhà thờ St. Botolph và tu viện Westminster bắt nguồn từ Họ Trâu bò, trong khi mẫu vật tại nhà thờ St. Michael và All Angels thuộc về ngựa hoặc lừa. Họ không thể xác định cụ thể hơn vì ngựa và lừa có dấu vết collagen rất giống nhau.

"Thật thú vị khi dường như các nhà thờ mà chúng tôi phân tích mẫu vật có những truyền thuyết rất giống nhau, rằng những mảnh da này có nguồn gốc từ kẻ cướp người Đan Mạch (Viking). Điều này được nhà ghi chép Samuel Pepys chứng thực lần đầu trong nhật ký của ông vào năm 1661. Vì vậy, truyền thuyết cho rằng đây là những mảnh da bị lột của người Đan Mạch đã tồn tại từ lâu", Macleod nói.

"Vì không có bất kỳ mẫu vật nào thực sự là da người, câu chuyện này có lẽ bắt nguồn như một truyền thuyết địa phương từ một trong các nhà thờ, sau đó nhanh chóng lan truyền sang những nơi khác cũng có dấu vết của da khô đóng đinh vào cửa", ông nhận định.

Các chuyên gia cho rằng có thể việc đóng da động vật lên cửa nhà thờ liên quan đến tính thẩm mỹ. "Tuy nhiên, sự thu hút của truyền thuyết về da người cũng như khả năng răn đe những kẻ phá hoại nhà thờ có thể giải thích cho việc truyền thuyết tồn tại dai dẳng", Macleod nói.

Cập nhật: 26/04/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video