Giải mã những bãi biển ngọc hồng lựu ở Australia

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Adelaide phát hiện, những hạt ngọc hồng lựu rải trên bãi biển Nam Australia tới từ châu Nam Cực xa xôi.

Bán đảo Yorke và Fleurieu tại Nam Australia có một số bãi biển với cát hồng khác thường. Màu hồng này bắt nguồn từ ngọc hồng lựu dạng bột, nhưng việc truy tìm nguồn gốc của ngọc hồng lựu không hề đơn giản.


Bãi biển ở công viên quốc gia Dhilba Guuranda-Innes, bán đảo Yorke chuyển màu hồng do ngọc hồng lựu. (Ảnh: Đại học Adelaide)

Các điều kiện để hình thành ngọc hồng lựu không diễn ra thường xuyên trong lịch sử Trái đất. Do đó, việc tìm ra ngọc hồng lựu đến từ đâu và cách chúng đến được những bãi biển này có thể mang lại nhiều thông tin giá trị về lịch sử địa chất. Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Communications Earth and Environment, nhóm nhà khoa học tại Đại học Adelaide phát hiện nguồn ngọc hồng lựu thực chất nằm cách xa bãi biển Nam Australia hàng nghìn km, IFL Science hôm 13/6 đưa tin.

Nam Australia có hai nguồn ngọc hồng lựu:

  • Nguồn thứ nhất có niên đại 514 - 490 triệu năm, khi đới uốn nếp Adelaide hình thành.
  • Nguồn thứ hai cổ xưa hơn nhiều, khi vùng Gawler Craton hình thành 3,3 - 1,4 tỷ năm trước.

Đại học Adelaide sử dụng tia laser để tiến hành phương pháp xác định niên đại lutetium-hafnium. Qua đó, họ có thể chứng minh rằng một số hạt ngọc hồng lựu trên các bãi biển Nam Australia đến từ hai nguồn này. Tuy nhiên, phần lớn ngọc hồng lựu ở đây lại có niên đại 570 - 590 triệu năm.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy hệ tầng Cape Jervis ở Nam Australia chứa ngọc hồng lựu trộn lẫn với đá và các loại cát khác. Khi đá của hệ tầng xói mòn, ngọc hồng lựu thoát ra ngoài và có thể được đưa tới những bãi biển lân cận. Quá trình kiểm tra cũng cho thấy, số ngọc hồng lựu này có niên đại 590 triệu năm.


Cát hồng trên bãi biển Nam Australia. (Ảnh: Stijn Glorie).

Tuy nhiên, các hoạt động địa chất ở Nam Australia thời đó không thể tự tạo ra ngọc hồng lựu. Vậy làm thế nào chúng lại xuất hiện trong hệ tầng Cape Jervis?

Theo nhóm nghiên cứu, chúng đến từ châu Nam Cực và nhập vào Australia như một phần của siêu lục địa Gondwana. "Có thể hình dung rằng hàng triệu năm băng dịch chuyển đã làm xói mòn nền đá bên dưới và đưa số ngọc hồng lựu này về phía tây bắc, hướng tới rìa Nam Cực - Australia", tiến sĩ Stijn Glorie tại Đại học Adelaide giải thích.

Nhóm nghiên cứu cho rằng ngọc hồng lựu hình thành trong thời kỳ lớp vỏ dày lên ở phía đông Nam Cực, đại diện cho giai đoạn đầu tiên của một sự kiện tạo núi quy mô lớn. "Thật thú vị khi chúng tôi có thể lần theo dấu vết của những hạt cát tí hon trên bãi biển Australia tới một vành đai núi chưa từng được khám phá dưới băng Nam Cực", tiến sĩ Jacob Mulder, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Cập nhật: 14/06/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video