Giải mã sự huyền bí trong niềm tin "tận thế" (2)

Nhiều người tin vào ngày tận thế sắp tới hệ mặt trời đi qua mặt phẳng Ngân Hà, những cơn bão từ khổng lồ “đổ bộ” xuống trái đất, gây nên thảm họa kinh hoàng, nhưng thực tế sẽ không phải như vậy.

Bão từ

Nhiều dự đoán rằng, càng gần thời điểm 21/12 sẽ có những cơn bão từ khổng lồ “đổ bộ” xuống trái đất. Họ cho rằng các trận bão từ đó mạnh nhất trong vòng 100 năm qua, kèm lời cảnh báo chúng sẽ phá hỏng toàn bộ mạng lưới điện, xóa sổ các đường dây điện tín trên quy mô lớn…

Trong các tin đồn về ngày tận thế, đây có lẽ là kịch bản có cơ sở nhất. Liệu đó có là sự thật?

Bão từ là những nhiễu loạn trong từ trường trái đất gây ra bởi gió mặt trời (các hạt mang điện đến từ hoạt động của mặt trời). Những hạt mang điện này tương tác và bị làm lệch hướng bởi từ trường trái đất tạo thành từ quyển. Chính từ quyển bảo vệ chúng ta khỏi những hạt năng lượng cao đến từ Mặt Trời.


Đường gấp khúc là số liệu quan trắc về số vết đen trên bề mặt mặt trời, hai đường
cong là biên trên và dưới theo dự báo mới nhất vào tháng 12/2012. (Ảnh: NASA)

Tuy nhiên, vào thời điểm mặt trời hoạt động mạnh, mật độ các hạt năng lượng cao đến từ mặt trời tăng lên rất lớn. Vì vậy, chúng có thể làm xáo trộn từ quyển trái đất, một số hạt có thể xuyên qua bức tường bảo vệ này đi vào khí quyển gây ra hiện tượng cực quang ở hai cực. Bão từ có tác hại nhất định tới mạng lưới điện, thông tin liên lạc và sức khoẻ con người, nhất là người bị bệnh tim mạch.

Bão từ hoạt động theo chu kỳ khoảng 11 năm. Mỗi khi mặt trời hoạt động mạnh, nhiều vết đen sẽ xuất hiện trên bề mặt của mặt trời hơn so với bình thường. Vào năm 2000 và 2001, bão từ đạt cực đại; lần cực đại tiếp theo sẽ trở lại vào năm 2012 và 2013. Tuy vậy, lần cực đại này lại được dự báo là sẽ yếu hơn so với hai năm 2000 và 2001.

Bão từ là hiện tượng thiên nhiên bình thường, có tính chu kỳ hàng tỷ năm nay, nên rõ ràng sẽ không có ảnh hưởng nào lớn bất thường vào ngày 21/12 tới.

Trái đất đảo trục

Tin đồn cho rằng các tác động từ ngoài vũ trụ sẽ làm Trái đất bị đảo trục, trong đó có trục tự quay và trục từ trường. Tuy nhiên, sự đảo ngược trong chiều quay của Trái đất là không thể.


Cực Bắc từ thay đổi từ năm 1831 đến 2001 với tốc độ
khoảng 10km mỗi năm tại khu vực bắc Canada. 

Hành tinh chúng ta luôn quay theo một trục cố định, từ tây sang đông. Các tác nhân làm trục quay đổi hướng trong không gian đều mang tính lâu dài và có quy luật. Theo đó, trục quay của trái đất cũng quay trong không gian vẽ thành một mặt nón (hiện tượng tiến động) và dao động theo đường quay đó (hiện tượng chương động). Một chu kỳ tiến động khoảng 25.800 năm bởi lực hấp dẫn của mặt trăng và mặt trời. Hai hiện tượng trên không ảnh hưởng đáng kể tới sự sống trên trái đất, dù quay nhưng trục trái đất vẫn nghiêng 23,5 độ so với quỹ đạo, bốn mùa vẫn ổn định.

Một hiện tượng khác là thay đổi trục từ trường. Cực từ của trái đất không trùng với các cực địa lý mà có sự dịch chuyển. Bằng việc khảo sát các lớp đá dưới đáy biển, giới khoa học chứng minh trái đất trong quá khứ nhiều lần đảo trục từ và gần nhất cách đây 780 nghìn năm. Trước đó, khi sự sống hình thành trên trái đất, rất nhiều lần đảo cực từ diễn ra. Tuy vậy, sự sống vẫn tồn tại và phát triển bình thường đến ngày nay.

Từ trường trái đất hình thành chủ yếu do lớp lõi ngoài trong tâm trái đất, cấu tạo chủ yếu bằng sắt nóng chảy. Lớp này vận động làm từ trường (do đó là cực từ) biến đổi không ngừng nhưng hết sức chậm. Sẽ không có một sự đảo cực bất thường vào 21/12 tới.

Hệ Mặt trời đi qua mặt phẳng Ngân Hà

Những người tin vào ngày tận thế cho rằng, hệ mặt trời sẽ đi qua mặt phẳng chính của Ngân Hà, nơi bị cho là có các tác động khủng khiếp từ lực hấp dẫn của các ngôi sao trong Ngân Hà.

Ngân Hà bao gồm hàng trăm tỷ ngôi sao, trong đó có mặt trời. Ban đêm, với điều kiện quan sát lý tưởng, Ngân Hà là một dải sao mờ chạy dài vắt ngang qua bầu trời. Tâm Ngân Hà nằm ở chòm sao Cung Thủ (Sagittarius), cách trái đất 28.000 năm ánh sáng, nơi có một hố đen khổng lồ nặng gấp hơn 4 triệu lần mặt trời

Toàn bộ Ngân Hà tự quay và mặt trời mất khoảng 230 triệu năm để quay hết một vòng Ngân Hà, mỗi vòng nó dao động lên xuống quanh mặt phẳng chính của Ngân Hà khoảng 3 lần. Tức là cứ khoảng 33 triệu năm, mặt trời lại đi qua mặt phẳng này. Các nhà khoa học từng phỏng đoán chu kỳ dao động này trùng khớp với sự biến đổi khí hậu và các cuộc đại tuyệt chủng sinh vật trên trái đất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu quan trắc mới đây, họ đã bác bỏ giả thuyết trên.

Hiện nay, hệ Mặt Trời cách mặt phẳng đó khoảng 50 năm ánh sáng chứ không phải đi qua nó vào ngày 21/12 tới. Tuy vậy, ngày 21/12 là ngày đông chí. Lúc đó mặt trời sẽ đi qua chòm sao Cung thủ trên đường hoàng đạo, đúng vị trí tâm Ngân Hà. Điều này không phải hiện tượng lạ vì hàng năm vị trí của mặt trời đều như thế.

Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video