Giải mã thêm cấu trúc Chính điện Kính Thiên-Hoàng thành Thăng Long

Các cuộc khai quật tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về Hoàng thành Thăng Long nói chung và Chính điện Kính Thiên nói riêng.

Trong hành trình phục dựng thì không gian, cấu trúc không gian của Chính điện Kính Thiên và cấu trúc của Chính điện Kính Thiên thuộc di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) luôn là bài toán khó đối với các nhà khoa học.

Kết quả thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và Viện Khảo cổ học báo cáo sơ bộ ngày 22/4 đã làm giàu thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu cấu trúc Chính điện Kính Thiên, củng cố niềm tin về phục dựng điện Kính Thiên thời gian tới.


Các đại biểu tìm hiểu các hố khai quật tại khu vực điện Kính Thiên. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN).

Củng cố thêm tư liệu quý

Tại cuộc khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông-Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000m2 được thực hiện trong năm 2021, các nhà khoa học tiếp tục làm rõ tầng văn hóa, các di tích, di vật khảo cổ chồng xếp lên nhau, có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 7-9 đến thế kỷ 19-20 của các thời kỳ Đại La, Đinh-Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Đặc biệt, các dấu tích xuất lộ thời Lê Sơ đã mang lại nhiều tư liệu về cấu trúc không gian Chính điện Kính Thiên.

Việc phục dựng kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên cơ sở các dấu tích kiến trúc, di vật tương ứng, mô hình kiến trúc, thư tịch cổ liên quan, đáng chú ý nhất là dấu tích kiến trúc nhiều gian thời Lê Sơ và di vật tương ứng.

Dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học xuất lộ năm nay là sự tiếp nối về phía Bắc và được nhận diện qua các dấu tích: bó nền, dấu tích móng nền, móng cột, nền sân.

Ngoài ra, trong kiến trúc thời Lê Sơ còn có 3 hàng gạch chưa xác định rõ chức năng. Với những dấu tích xuất lộ, các nhà khoa học khẳng định, chắc chắn đây là kiến trúc có nhiều gian kiểu hành lang thời Lê Sơ.


PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, với dấu tích thời Lê Sơ, di tích kiến trúc nhiều gian gợi sự phân bố của không gian Chính điện Kính Thiên ở đây và dấu tích này cho thấy sự thu hẹp lại so với không gian phía trước Chính điện Kính Thiên.

Rõ ràng, đối với mục tiêu nghiên cứu điện Kính Thiên, nhờ có các cuộc khai quật khảo cổ học chúng ta từng bước tìm hiểu ngày càng rõ hơn không gian, cấu trúc không gian Chính điện Kính Thiên và cấu trúc của Chính điện Kính Thiên. So sánh chung, chúng ta có thể bước đầu đoán định không gian thu hẹp ở vị trí này có thể là không gian điện Cần Chánh, một phần trong tổng thể không gian chung của khu vực Chính điện Kính Thiên.

Các nhà khoa học đều đánh giá cao kết quả khai quật thăm dò vừa qua, mang lại những tư liệu và hiểu biết rõ hơn trong quá trình tìm kiếm hướng phục dựng cấu trúc điện Kính Thiên.

Cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, phục dựng

Các cuộc khai quật tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về Hoàng thành Thăng Long nói chung và Chính điện Kính Thiên nói riêng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều cho rằng quá trình khai quật cần tập trung vào mục tiêu phục dựng điện Kính Thiên, bởi Hà Nội đã bàn thảo rất nhiều và đặt ra lộ trình phục dựng công trình này nhằm hoàn trả lại giá trị cốt lõi cho di sản Hoàng thành Thăng Long.

Cùng với việc tìm ra hình thái cấu trúc, nhiều nhà khoa học cũng đề xuất cần nghiên cứu, tiếp cận với nội thất điện Kính Thiên, thậm chí nghiên cứu từng bộ phận của cấu trúc điện.

Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khẳng định việc phục dựng điện Kính Thiên không chỉ là kiến trúc mà còn nhiều vấn đề liên quan. Điều cần thiết hiện nay, chúng ta cần tiếp cận từng bộ phận của điện Kính Thiên, trên cơ sở đó xây dựng bản vẽ một cách đồng bộ, đến khi có đủ tư liệu thì tiến hành phục dựng. Bởi vậy, các cơ quan chuyên môn và nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu và khai quật khảo cổ để có thêm các tư liệu.

Một vấn đề được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm tại hội thảo báo cáo khoa học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên chính là việc đẩy nhanh việc phục dựng điện Kính Thiên.

Nếu nhìn lại lần khai quật đầu tiên tại Hoàng thành Thăng Long thì đến nay đã 20 năm và việc bàn thảo phục dựng điện Kính Thiên đã qua 10 năm nhưng việc phục dựng công trình sẽ còn là bước đường không hề đơn giản.

Tuy vậy, nhiều nhà khoa học cũng tin tưởng, nền móng điện Kính Thiên vẫn còn lưu giữ, các hiện vật liên quan đến kiến trúc điện Kính Thiên được phát nhiều, vì vậy Hà Nội có đủ cơ sở để phục dựng.


Các di vật thời Lý xuất lộ trong đợt khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2021. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN).

Điều khó nhất hiện nay là hệ thống cột cho công trình chưa có tư liệu cụ thể nhưng vẫn có thể dựa vào các tài liệu lịch sử khác, bởi kiến trúc thời Lê vẫn là kiến trúc Nho giáo. Còn nếu phải đầy đủ toàn bộ tư liệu và thật chuẩn xác mới phục dựng thì sẽ là điều vô cùng khó khăn và có thể chưa biết đến khi nào mới phục dựng được.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng điện Kính Thiên là công trình mang tính biểu tượng cho lịch sử Hoàng thành Thăng Long, vì vậy cả thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều thống nhất tập trung cho việc phục dựng. Ngay trong giai đoạn 2021-2025 các đơn vị sẽ cố gắng tiến hành phục dựng, vì vậy mọi công việc liên quan cần nhanh chóng, khẩn trương thực hiện.

Tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2021, các nhà khoa học đều thống nhất sẽ tiếp tục cuộc khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên để củng cố thêm tư liệu cần thiết, làm cơ sở để sớm thực hiện công trình này.

Cập nhật: 29/04/2021 Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video