Câu chuyện về một thầy giáo trẻ, bỏ ra hơn 5 năm trời để làm một phần mềm công phu chỉ để "tung ra".. miễn phí. Chắc chắn có không ít hơn 2 sản phẩm của Việt kiều cũng có tính năng tương tự như phần mềm Hanosoft của Tống Phước Khải. Thế nhưng, xét về tính năng, về sự đồ sộ, kỳ công của bộ từ điển Hán-Nôm thì Hanosoft là một sản phẩm vượt trội.
HanoSoft: giấc mơ có thật của anh giáo Khải
Chúng tôi có mặt tại khoa Mỹ thuật, trường Đại học Hồng Bàng, nơi thầy giáo Khải đang giảng dạy bộ môn đồ họa vi tính và rất may mắn được dự một giờ giảng của thầy Khải. Một lớp học khoảng 50 sinh viên chăm chú trước màn hình vi tính và thao tác say mê theo những chỉ dẫn của ông thầy giáo trẻ. Cũng là những hình vẽ đồ họa gốc, những thao tác căn bản nhưng giờ học của thầy giáo trẻ Phước Khải rất thu hút sinh viên và tỏ ra cực kỳ hấp dẫn vì "thầy Khải thường đưa rất nhiều dẫn chứng sinh động và thầy trò cũng hay đùa vui tạo không khí rất thoải mái".
Thầy giáo Tống Phước Khải tâm sự: "Vào trường đại học Hồng Bàng làm, được tiếp xúc với những kí hoạ của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng trên phòng chế bản. Đó là bộ sưu tập kí họa của Heli Ugi và có rất nhiều chữ Nôm. Trong đó người ta ghi những nét văn hoá dân tộc đầu thế kỉ XX và giải thích bằng chữ Nôm không. Tự nhiên tôi nghĩ là sao nó lại khó như thế và tự mình mày mò làm sao để nó ứng dụng được trên lĩnh vực kĩ thuật số".
Sẵn trong mình niềm say mê công việc và nghiên cứu, thầy giáo Khải đã mày mò khám phá một địa hạt hoàn toàn mới mẻ.
Thời điểm Tống Phước Khải bắt đầu nghiên cứu sáng tạo bộ gõ Hán-Nôm là năm 2000. Anh giáo trẻ tự học chữ Hán rồi cất công đi lùng các bộ sách từ điển Hán–Nôm về đọc. Tự học, tự mày mò, mất gần 2 năm trời, không ăn thua, anh chàng đánh liều gõ cửa tác giả của chính những bộ sách nổi tiếng. Trình bày ý tưởng, thuyết phục các nhà nghiên cứu trợ giúp. Và không biết có phải do cái khuôn mặt hiền hiền, chân chất, do cái tính lỳ lợm quyết liệt của Khải, hay sự đúng hẹn của một người biết giữ lời hứa, phần mềm bộ gõ chữ Hán–Nôm đã được ra đời sau đó một năm.
Từ bộ gõ Hán Việt Universal 2 chạy trên Song Kiều, Tống Phước Khải cải tiến thành bộ gõ Hanokey 1.0. Bộ gõ hoàn toàn độc lập sử dụng theo chuẩn font Unicode, có thể chạy trên Win 9x, Win 2000 và Win XP. Bộ font chữ Hán có số lượng lên đến vài chục ngàn từ, gồm cả chữ Hán của Trung Quốc, Nhật (Kanji), Triều Tiên (Hanja) và chữ Nôm của Việt Nam.
"Ban đầu, mình làm ra bộ gõ, những người nghiên cứu Hán Nôm cần bộ gõ đó để gõ những quyển sách, văn bản, mình hướng dẫn người ta cách gõ và chép những cái đĩa CD. Khi sử dụng được thì họ cũng thấy thích dùng và cảm thấy cái này nó hay", Phước Khải kể.
Còn bây giờ, khi phiên bản Hanosoft 2.0 , bộ phần mềm tích hợp các tính năng chuyển font : Từ điển Hán-Việt,Việt-Hán và Từ điển Hán-Việt trực tuyến đã ra đời, cả thảy độ vài MB, rất gọn nhẹ, dễ cài đặt và dễ sử dụng, anh giáo Khải đã trở thành người bạn trẻ của các nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng như Trần Văn Chánh, Cao Tự Thanh...
Dưới góc độ một nhà nghiên cứu Hán-Nôm chuyên nghịêp, nhà nghiên cứu Hán-Nôm Cao Tự Thanh cho rằng phần mềm còn thiếu sót về mặt từ, ngữ Hán-Nôm đưa vào nhưng là do hạn chế về mặt từ ngữ Hán-Nôm của tác giả. Ông đánh giá rất cao phần mềm này: "Phần mềm Hanoshop rất tiện cho những người làm Hán Nôm chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tôi cho rằng đây là bộ công cụ tra cứu cực tốt, ít nhất là nó lợi hơn rất nhiều so với điểm bằng thực".
Sự thành công của sản phẩm đóng dấu Tống Phước Khải chính bản thân thầy cũng không hề nghĩ tới.
Sản phẩm phần mềm Hán-Nôm được chia sẻ hoàn toàn miễn phí của Khải không chỉ hỗ trợ cho công việc thiết kế mỹ thuật Photoshop và Corel để tạo mẫu mã bao bì, thiệp cưới, danh thiếp. Những công việc mà theo sinh viên của Khải cho chúng tôi biết, "Vì không có nhiều người thiết kế chuyên dụng tiếng Hoa nên phải nhờ dịch vụ làm giùm. Họ đánh thì tính tuỳ chữ, 3 chữ 10.000. Thường 1 chữ cũng tính 5000 - 7.000. Giá cũng dao động nhất thời, cũng không biết được giá thế nào nhưng nói chung là đắt".
HanoSoft còn là cứu cánh cho chính những nhà nghiên cứu, chế bản sách chữ Hán-Nôm và giúp nhiều người dễ dàng hơn trong việc tra cứu những tài liệu Hán-Nôm, điều mà trước nay thật quá khó khăn.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Khoa Biên tập Khoa học công nghệ trường Đại học Hồng Bàng cho biết: "phần mềm Hán Nôm của anh Khải cho phép chúng tôi có thể đọc và hiểu được tất cả mẫu tự mà chúng tôi khám phá ra. Chẳng hạn như công trình của ông Heli Ugi, người Pháp đã nghiên cứu mỹ thuật học Việt Nam. Công trình của ông giải thích hoàn toàn bằng chữ Hán-Nôm. Nhờ có anh Khải, chúng tôi mới hiểu được họ muốn nói về cái gì. Cái đó nói về hoạt động dân gian của Việt Nam".
Làm phần mềm từ đam mê và một tinh thần hiệp sỹ
Khi phần mềm của Khải được công bố, nhiều báo đã đưa tin và sau đó, số lượng thư, email gửi đến chúc mừng, hỏi cách sử dụng cũng như hỏi xin nhiều đến nỗi thầy Khải không thể nhớ nổi. Thầy Khải hạnh phúc vì phần mềm của mình có người dùng, thậm chí là có rất nhiều người sử dụng.
HanoSoft trở nên "nổi tiếng" nhưng ít người biết, sau những giờ lên lớp, giờ làm thêm, học thêm... tác giả của nó, Tống Phước Khải lại trở về với căn gác nhỏ nằm sâu trong một con hẻm giữa đô thị ồn ào. Căn gác nhỏ ở ngôi nhà anh trọ nhờ nhà bà ngoại. Căn gác nghèo và thiếu bàn tay một người phụ nữ ấy là nơi đêm đêm thầy giáo Khải cặm cụi với công việc nâng cấp phần mềm và hỗ trợ người dùng.
Rời quê hương Bến Tre từ năm lớp 11, cậu học trò chân đất Tống Phước Khải một thân một mình khăn gói lên Sài Gòn theo học. Rồi tự bươn chải bằng đủ các nghề cho đến lúc tốt nghiệp khoa Cơ khí, ĐH Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh... Sinh năm 1974, năm nay cũng đã ở tuổi "tam thập nhi lập", thế nhưng Khải vẫn chỉ có hai bàn tay trắng.
Phước Khải tâm sự: "Tôi nghĩ Hán-Nôm là nhu cầu của những người nghiên cứu về văn hoá. Thực sự những ai yêu quý văn hoá, nghiên cứu về Hán Nôm rất muốn biết về nguồn gốc văn hoá dân tộc và mục đích là phục vụ cho văn hoá dân tộc. Vậy nên, phần mềm HanoSoft phải được phổ biến miễn phí không vì kinh tế thị trường".
Với lối suy nghĩ rất tự nhiên ấy, Khải đã làm được những điều thật phi thường cũng hết sức tự nhiên. Với người trẻ, lý giải cho những việc làm vô vụ lợi được "định nghĩa" là niềm đam mê "Tôi mê tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam thì trước tiên phải học tiếng Việt từ nguồn gốc-tức là chữ Nôm trước đây và muốn mình có thể sử dụng chữ Hán-Nôm bằng phần mềm máy tính". Với Khải, giải quyết được những khó khăn từ bài toán chữ Hán–Nôm cũng giống như cảm giác khát khao vượt qua một chướng ngại trong cuộc sống.
Khát khao đó còn đang thôi thúc Khải cho ra đời một phần mềm lớn hơn, mang tính cộng đồng cao hơn, và đặc biệt, nó đang mở ra một triển vọng mới có lợi cho cả một nền văn hoá: Di sản thư tịch Hán-Nôm sẽ được số hóa và download, sử dụng miễn phí trên mạng Internet!
"Trước mắt, nhà nghiên cứu Hán-Nôm Cao Tự Thanh sắp sửa cho ra một từ điển tiếng Việt có chữ Nôm, chữ Hán miễn phí. Tôi đã đề nghị được hợp tác cùng anh, giúp anh về mặt lập trình. Và cũng trong thời gian tới, bên hội Nôm Horison của Mỹ cũng muốn làm từ điển trực tuyến từ cuốn từ điển giúp đọc chữ Nôm của linh mục Kiểm đã được phát hành một năm. Mình sẽ phụ trách lập trình cuốn từ điển miễn phí này", Khải tiết lộ.
"Tống Phước Khải là nhà nghiên cứu không dừng lại", đó là lời nhận xét của ông Trần Mạnh Tuấn, trường ĐH Hồng Bàng. Niềm đam mê CNTT, say mê tìm hiểu văn hóa dân tộc và tinh thần hiệp sỹ "bẩm sinh" luôn thúc đẩy anh phải làm nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Khải hoàn toàn có thể làm giàu được từ những gì mình làm ra, thế nhưng anh sẵn sàng lựa chọn phần thua thiệt để cống hiến cho cộng đồng. Với chúng tôi, những người đã theo anh suốt một hành trình: đến trường, đến thăm các nhà nghiên cứu... và cuối cùng là phải vất vả lắm mới được anh miễn cưỡng dẫn về thăm căn gác nghèo của mình, thật vui, thật hạnh phúc vì được sẻ chia với những người như thầy giáo Tống Phước Khải. Và hạnh phúc hơn vì biết rằng CNTT là phương tiện đang xoá nhoà những khoảng cách, đem cơ hội tới cho tất cả mọi người.