Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đến từ Nhật Bản đã tìm ra cách “đọc” giấc mơ của con người dựa trên một máy quét não. Chiếc máy có thể giúp “mường tượng” ra được những hình ảnh mà con người thường nhìn thấy khi chìm sâu vào giấc ngủ.
Công trình nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Khoa học và các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng chiếc máy quét não có độ chính xác lên đến 60%. Nhóm nghiên cứu giờ đây có thể dựa vào các hoạt động của não để dự đoán được các trạng thái của giấc mơ, như là các diễn biến cảm xúc trong suốt giấc ngủ.
Tiến sỹ Yukiyasu Kamitani từ Trung tâm Thí nghiệm Đo lường thần kinh học ATR ở Tokyo cho biết: “Tôi có một niềm tin vững chắc rằng khả năng giải mã giấc mơ là hoàn toàn có thể, ít nhất là các trạng thái đặc biệt của giấc mơ… Tôi không hoàn toàn ngạc nhiên về kết quả này, nhưng thực sự cảm thấy phấn khích vì điều đó”.
Con người đã cố gắng giải mã giấc mơ từ thời Ai Cập cổ đại, nhưng các nhà nghiên cứu gần đây mới đi sâu vào nghiên cứu một cách gần hơn với các giấc mộng về đêm.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một chiếc máy quét MRI (máy quét cộng hưởng từ chuyên sử dụng trong y học để chụp cắt lớp não người) để tiến hành thí nghiệm với 3 người khi họ đang ngủ. Khi các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu bắt đầu rơi vào giấc ngủ sâu khi nằm trong máy quét, họ đã được thức giấc và được yêu cầu kể lại những gì họ đã thấy trong giấc mơ của mình.
Hoạt động của não tương thích với những hình ảnh mà con người đã thấy trong giấc mơ của mình.
Các hình ảnh về giấc mơ đều được lưu ý, từ những bức tượng đồng, chìa khóa và cả những mũi băng, bất cứ những hình ảnh đó siêu thực đến đâu. Điều này được lặp đi lặp lại hơn 200 lần cho mỗi thành viên tham gia.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết quả này để tạo ra một cơ sở dữ liệu, nơi họ nhóm các chủ đề giống nhau thành các loại đối tượng hình ảnh tương tự. Ví dụ, khách sạn, nhà cửa và các tòa nhà cao tầng được nhóm vào danh sách có tên là “cấu trúc”.
Sau đó, các tình nguyện viên được chụp lại giấc mơ. Lần này, khi họ được đánh thức, họ sẽ được nhìn thấy hình ảnh trong giấc mơ hiện lên trên một màn hình máy tính. Với điều này, họ đã có thể nhìn thấy các mô hình cụ thể của hoạt động não có tương quan với các hình ảnh thị giác.
Trong các chương trình thí nghiệm giấc ngủ tiếp theo, bằng cách theo dõi máy quét não, các nhà nghiên cứu đã có thể dự đoán được những gì mà các tình nguyện viên đã nhìn thấy trong giấc mơ của họ. Họ đã có thể đánh giá được độ chính xác lên đến 60% các hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ.
Các nhà nghiên cứu muốn tiếp tục nghiên cứu các giấc ngủ sâu hơn, nơi những giấc mơ diễn ra sống động nhất. Họ cũng muốn xem xét liệu máy quét não có thể giúp họ dự đoán về cảm xúc, mùi vị, màu sắc và hành động mà con người trải nghiệm khi đang chìm trong giấc ngủ hay không.
Tiến sĩ Mark Stokes, một nhà thần kinh học nhận thức tại Đại học Oxford, cho biết, những cảm xúc đó là một phần "thú vị" của nghiên cứu và đang đưa chúng ta đến gần với khái niệm của máy đọc giấc mơ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng một hệ thống đọc giấc mơ duy nhất sẽ không thể “hiểu” hết tất cả mọi người.
“Công việc này được thực hiện trên các đối tượng cá nhân. Vì thế, bạn sẽ không bao giờ xây dựng được một chương trình chung có thể đọc được giấc mơ của bất kỳ ai. Tất cả đều mang phong cách riêng của cá nhân, và các hoạt động não sẽ không bao giờ giống nhau trên mọi đối tượng”, ông nói, “Bạn sẽ không bao giờ xây dựng được một máy đọc được suy nghĩ của con người khi mà chiếc máy lại không biết gì về người đó”.