Tuần trước, bản ghi âm tiếng cơn bão bụi trên sao Hỏa được tiết lộ. Tuần này, một nhóm nghiên cứu tuyên bố gió trên sao Hỏa có thể cung cấp năng lượng cho con người định cư.
Nhiều đánh giá trước đây xác định gió trên sao Hỏa quá yếu không thể làm nguồn năng lượng đáng tin, đặc biệt khi so sánh với năng lượng mặt trời hay năng lượng hạt nhân. Tất cả do bầu khí quyển của hành tinh đỏ chỉ mỏng bằng 1% của Trái đất.
Gió trên sao Hỏa hoàn toàn có thể tạo ra năng lượng - (Ảnh: NASA).
Nhưng một nhóm do nhà nghiên cứu Victoria Hartwick (Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA) dẫn đầu đã đưa ra quan điểm ngược lại.
Nhóm dùng mô hình khí hậu sao Hỏa tiên tiến nhất để xem xét cảnh quan, mức độ bụi, phóng xạ mặt trời, năng lượng nhiệt. Sau nhiều năm mô phỏng các kiểu thời tiết và bão, họ tìm thấy bằng chứng đáng kể chứng minh không ít khu vực trên hành tinh đỏ cung cấp lượng gió đáng tin cậy có thể sử dụng chung với pin mặt trời. Vài khu vực nhất định chỉ cần sử dụng gió tạo năng lượng.
Trong số địa điểm khả thi có vành miệng núi lửa và cao nguyên núi lửa, ngoài ra gió thổi qua các lớp băng ở bắc bán cầu sao Hỏa tạo nên hiệu ứng “gió biển” cũng có thể làm nguồn năng lượng.
Theo nhóm nghiên cứu, ở một số địa điểm sản lượng điện gió trung bình thậm chí còn cao gấp 3, 4 lần năng lượng mặt trời. Họ đề xuất xây tua bin gió cao gần 50 mét tại khu vực băng giá phía bắc, quanh miệng núi lửa, trên sườn núi lửa.
Tua bin gió truyền thống rất nặng nên vận chuyển chúng lên sao Hỏa tiêu tốn nhiều tiền bạc lẫn công sức. Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyến khích thiết kế tua bin mới chẳng hạn tua bin gió dạng khinh khí cầu.