Bất chấp những lo ngại, ngày 7/8, 22 nhà khoa học quốc tế đến từ 15 tổ chức cho biết họ muốn tạo ra một chủng cúm cùng dòng virus cúm gia cầm nhằm nghiên cứu khả năng lây lan của chúng từ người sang người.
Trên tạp chí Science, 22 nhà khoa học cho rằng nghiên cứu lây nhiễm "là cần thiết và nên được thực hiện". Họ cam kết sẽ tăng cường biện pháp bảo vệ theo phòng thí nghiệm.
Đề xuất này vẫn đang gây tranh cãi. Một số nhà nghiên cứu kêu gọi thiết lập an ninh ở chế độ cao nhất cho các phòng thí nghiệm. "Khả năng nghiên cứu này dẫn đến điều gì đó có ích là rất thấp” - chuyên gia Adel Mahmoud nhận định trên Science.
Một cửa hàng bán gia cầm ở Trung Quốc - (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên cơ quan tài trợ nghiên cứu thuộc Sở Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết sẽ xem xét đề xuất thực hiện nghiên cứu trên, theo USA Today. Để trấn an các lo lắng về nghiên cứu này, Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ yêu cầu các biện pháp an toàn hơn.
Năm 2011, những nỗ lực tương tự để nghiên cứu một loại virus cúm có khả năng lây lan cao hơn là virus cúm gia cầm H5N1 gây ra tranh cãi lớn và dẫn đến một lệnh cấm nghiên cứu.
Trong số 130 trường hợp nhiễm cúm ở Trung Quốc tính đến nay, virus H7N9 được cho là thường lây từ gia cầm sang người. Cho đến nay, nhiều nhất chỉ có hai trường hợp lây nhiễm từ người sang người.
Trong khi các trường hợp nhiễm H7N9 chững lại trong tháng 3/2013, các chuyên gia lo sợ virus sẽ tái bùng phát vào mùa thu này và có khả năng miễn dịch với các loại thuốc chống virus.