navigation

Giới khoa học “vật vã” vì… 101 loài mới được phát hiện

Các nhà khoa học Đức đã điên đầu khi cùng một lúc họ phát hiện tới 101 loài bọ cánh cứng ở Papua New Guinea và không biết làm sao để đặt tên chúng.

Vừa qua, các nhà sinh vật Đức đã phát hiện một loạt loài mới tại Papua New Guinea (châu Úc). Đây là tin vui lớn, nhưng đồng thời nó cũng khiến họ phải đau đầu trong việc đặt tên cho những chú bọ cánh cứng này.

Cực chẳng đã, các nhà khoa học Đức đã nghĩ ra một phương pháp đặc biệt. Đó là… tra danh bạ điện thoại năm 2010 của Papua New Guinea để đặt tên cho các loài họ mới phát hiện. Có đến 10 cái họ được chọn ra theo cách này đồng nghĩa với việc hàng loạt gia đình bỗng dưng được “lưu danh sử sách” một cách bất ngờ.

Cụ thể, các nhà khoa học đã giở trang 236 của cuốn danh bạ này và chọn họ Kanawi để đặt tên cho một chú bọ cánh cứng nhỏ là một con bọ màu đen là Trigonopterus kanawiorum. Tương tự, những người có họ là Morea thuộc trang 275 cũng được chọn để đặt tên cho một con bọ cánh cứng nhỏ màu đen khác là Trigonopterus moreaorum.

Giáo sư Alexander Riedel thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Karlsruhe (Đức) lý giải quyết định lạ lùng đặt tên lạ lùng này: “Chúng tôi không có thời gian để nghĩ tên cho chúng. Có hơn 100 loài được phát hiện và thu hút sự chú ý cực lớn của công chúng. Cách đặt tên kiểu mới đó nhanh gấp 5 lần so với cách đặt tên thông thường”.

Theo ông Riedel, cách đặt tên truyền thống dựa trên đặc điểm cấu trúc của loài. Như thế các nhà khoa học sẽ mất rất nhiều thời gian để đặt được cái tên thích hợp cho chúng nếu sử dụng phương pháp cổ điển này.

Theo Dân Việt