Một nghiên cứu mới cho thấy một loài vi khuẩn sống trong đại dương có thể là chìa khóa để điều tiết khí hậu của Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học East Anglia (UEA) và trường Đại học bang Oregon (Mỹ) đã phát hiện ra loại vi khuẩn Pelagibacterales có thể sản xuất ra khối lượng lớn dimethyl sulfide - một loại khí có hiệu ứng tích cực đối với môi trường.
Trong mỗi thìa nước biển có đến nửa triệu vi khuẩn được tìm thấy. (Nguồn: IN).
Trong một thông cáo báo chí, Tiến sĩ Jonathan Todd thuộc Đại học UEA, cho biết, vi khuẩn trong đại dương là một trong những sinh vật phong phú nhất trên Trái Đất – có đến nửa triệu vi khuẩn được tìm thấy trong mỗi thìa cà phê nước biển.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đã nghiên cứu mức độ di truyền phân tử của loài vi khuẩn này để phát hiện chính xác cách nó tạo ra một chất khí dimethyl sulfide, là chất có khả năng kích thích sự hình thành mây".
Theo nhóm nghiên cứu, chất khí dimethyl sulfide đã tạo ra các hạt nhỏ li ti trong các đám mây để ngăn và làm giảm lượng ánh sáng Mặt Trời soi xuống tới bề mặt của đại dương, từ đó hạn chế việc nước biển bị ấm lên.
Trong khi đó, theo bà Emily Fowler, một nhà nghiên cứu đến từ UEA, điều thú vị là vi khuẩn Pelagibacterales đã tạo ra dimethyl sulfide thông qua một enzyme - cách thức chưa từng được khoa học biết tới trước đó. "Và chúng tôi đã tìm thấy loại enzyme này hiện diện trong vô vàn các loài vi khuẩn ở dưới biển", bà nói.
Các kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trên tạp chí Vi sinh vật tự nhiên của Mỹ.