Nhiều hãng dược phẩm đã tham gia nghiên cứu chế tạo vaccine (Ảnh: PA) |
Loại vaccine này tỏ ra có hiệu quả trong thử nghiệm khi dùng hai liều 3.8 micrograms và Glaxo nói liều lượng chính xác là rất quan trọng.
Các hãng đều muốn chỉ cần tới liều nhỏ nhất vì như vậy sẽ sản xuất được nhiều liều hơn.
Kết quả thí nghiệm chưa được Glaxo công bố nhưng hãng này nói các nước có thể đặt vaccine ngay từ bây giờ để nhận hàng vào đầu năm 2007. Một trong các đối thủ của Glaxo, hãng Sanofi Aventis của Pháp, cũng đang cố gắng chế tạo vaccine.
Một nghiên cứu đăng trên tờ Lancet hồi tháng Năm cho thấy vaccine của Sanofi tỏ ra hữu hiệu khi tiêm hai liều 7.5 microgram.
Một hãng khác là Baxter International đã được Y tế Anh đặt hàng hai triệu liều vaccine để cung cấp cho nhân viên khối chính phủ.
Quan ngại về đại dịch
Quan ngại lớn nhất hiện nay là virus H5N1 sẽ hợp nhất với một loại virus gây bệnh khác và biến dạng thành chủng có thể lây truyền từ người sang người.
Từ 2003 tới nay đã có 231 người nhiễm cúm gà và 133 trong số đó tử vong.
Tuy nhiên người ta chưa phát hiện ra chủng virus cúm gia cầm có khả năng lây từ người sang người và vì không ai biết chủng này, nếu có, sẽ cấu dạng như thế nào, nên rất khó để chế một loại vaccine đặc trị.
Cúm gia cầm lan tràn tại nhiều nước (Ảnh: AFP) |
Tuy nhiên một số hãng, trong đó có hãng Glaxo, đang tìm cách chế tạo vaccine dựa trên chủng H5N1 hiện đang tồn tại, vì dù sao có còn hơn không. Glaxo cho hay sẽ bắt đầu thảo luận với các chính phủ về liệu họ có muốn đặt hàng vaccine hay không và muốn đặt hàng bao nhiêu.
Vaccine của Glaxo hiện nằm trong danh sách ưu tiên để được các cơ quan quản lý dược phẩm của châu Âu và Hoa Kỳ xem xét cấp giấy lưu hành. Glaxo đã được Hoa Kỳ cấp 272 triệu đôla để nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh.
Vẫn còn nhiều câu hỏi
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi vaccine phòng dịch có thể tung ra thị trường.
Trước hết, còn chưa rõ liệu Glaxo có thể sản xuất ngay bao nhiêu lliều vaccine và ngay cả việc chuyển từ phòng thí nghiệm ra sản xuất đại trà khó khăn ra sao.
Thứ hai, cũng vẫn chưa ai hay nếu như virus H5N1 biến thể thì loại vaccine này có còn hiệu nghiệm nữa hay không.
Glaxo tin tưởng rằng vaccine của hãng mình vẫn có tác dụng khi dòng virus biến thể chút ít. Hãng này cũng cho biết giá bán của vaccine sẽ cao hơn vaccine phòng cúm thông thường, tức khoảng 4 bảng Anh / liều tiêm.
Cũng theo Glaxo, các tác dụng phụ của vaccine chống cúm gia cầm giống như các biểu hiện trong chữa trị cúm influenxa thông thường, và chỉ là sốt cao ở một vài bệnh nhân.
Glaxo đã mua lại công ty chế biến vaccine của Canada là ID Biomed với giá hai tỷ đôla hồi năm ngoái và nay là hãng chế tạo vaccine lớn thứ hai toàn cầu sau Sanofi.