Liệu pháp cổ truyền của Trung Quốc là lấy một dụng cụ trơn với các cạnh tròn, thường là đá quý, chà xát trên da nhằm kích thích tuần hoàn, lưu thông máu.
Phụ nữ gia đình quyền quý xưa ở Trung Quốc massage Gua Sha bằng đá quý như thạch anh hồng, ngọc bích. Massage Gua Sha có nghĩa "cạo gió chữa bệnh", tức cạo trên bề mặt da để loại bỏ năng lượng xấu được y học cổ truyền xem là nguyên nhân gây bệnh và các cơn đau khác. Cạo gió chủ yếu được thực hiện ở lưng, cổ, chân, cánh tay hoặc mông. Những chuyển động nhịp nhàng trên da sẽ thúc đẩy độc tố thoát ra ngoài. Những vết đỏ xuất hiện sau khi cạo gió nhưng sẽ mờ dần sau vài ngày. Phương pháp cạo gió cũng rất phổ biến ở Việt Nam.
Massage với dụng cụ Gua Sha. Dụng cụ này hiện bán nhiều trên thị trường. (Ảnh: Les Airs Solidaires).
Ngày nay Gua Sha được ứng dụng trong massage mặt với dụng cụ là một thanh gắn đá có thể lăn tròn. Người ta lăn viên đá trên mặt để massage kích thích tuần hoàn sâu, thúc đẩy tái tạo tế bào da, giúp làn da trở nên hồng hào và sáng màu hơn. Khi độc tố được loại bỏ sẽ làm giảm mụn bọc và mụn đầu đen.
Massage da mặt không chỉ thư giãn cơ mà còn hỗ trợ làm đầy lớp biểu bì, kích hoạt các điểm bấm huyệt làm săn chắc cơ mặt, giảm nếp nhăn. Hình dáng của viên đá gắn trên dụng cụ vừa có độ phẳng vừa có độ dẹt nên có thể tác động nhẹ nhàng vào những bộ phận nhỏ như góc mắt, khóe mắt, giảm quầng thâm và bọng mắt.
Cách tự massage Gua Sha rất đơn giản. Đầu tiên, làm sạch khuôn mặt, thoa kem dưỡng ẩm, chống nhăn, serum... nếu muốn. Sau đó đặt viên đá ngọc bích hoặc dụng cụ thiết kế sẵn lên mặt, lăn hay kéo viên đá chuyển động chậm dài, luôn bắt đầu từ vùng trung tâm mặt ra bên ngoài. Lặp lại thao tác nhiều lần. Sau đó thực hiện các chuyển động ngắn hơn và nhanh hơn trên các vùng da mặt.