Hà Lan ngàn đời chống ngập bằng vắt nước lấy đất

Chúng ta không đơn lẻ trong cuộc chiến chống ngập lụt. Nhiều nước như Hà Lan, Ý, Nhật, Singpore... rồi gần chúng ta là Thái Lan cũng cam go chống ngập và quan trọng hơn, họ đã ít nhiều thành công.

Xây kè chắn biển


Kè chắn biển Oosterscheldekering (kè chắn bão đông Schelde) dài hơn 3km, nối liền hai đảo nhỏ tại Hà Lan - (Ảnh: readesl).

Hiện tại, 27% diện tích của Hà Lan thấp hơn mực nước biển và 60% số dân của họ mong manh trước các cơn lũ.

Tại Hà Lan, có tất cả khoảng bảy loại đê, kè chuyên dụng cho biển, sông, hồ, kênh đào, hay loại đê khẩn cấp, đê chống bão... được xây dựng phù hợp tùy vào tính năng sử dụng.

Hà Lan có hệ thống đê chắn ở Biển Bắc mang tên công trình bảo vệ Biển Bắc - vốn vẫn được gọi là kỳ quan thứ 8 - gồm hai phần: một mang tên công trình Zuiderzee và một mang tên công trình châu thổ.

Công trình Zuiderzee được khởi công năm 1923 vì sau trận bão kinh hoàng năm 1916, Chính phủ Hà Lan phải nghĩ đến việc xây dựng một con đập chắn ở vịnh Zuiderzee - vốn là một cảng nước cạn dài 100km, rộng 50km nhưng chỉ sâu 5m.

Bình thường Zuiderzee có nhiều cá và hiền hòa nhưng khi có bão, nó trở nên hung hãn khiến nhiều con đê bên trong bị vỡ.

Phần chính của công trình Zuiderzee mang tên đập kín dài 32km, rộng 100m và cao gần 8m, chắn, không cho nước từ Biển Bắc đi vào Zuiderzee và dần biến nơi này thành một hồ nước ngọt, đặt tên là Ijsselmeer.

Không chỉ giải quyết vấn đề chắn nước từ Biển Bắc, công trình Zuiderzee còn giúp người Hà Lan có được hơn 1.500km2 đất trong khu vực Ijsselmeer để xây dựng các thành phố phát triển, hiện đại ngày nay.


Cận cảnh kè Oosterscheldekering - (Ảnh: 7wonders.org).

Trong khi đó, công trình châu thổ phải đến năm 1987 mới hoàn thành, trị giá 7 tỉ USD. Công trình này bao gồm 13 đê, kè lớn nhỏ khác nhau, trong đó Oosterscheldekering (kè chắn bão đông Schelde) là công trình lớn nhất.

Phần chính của Oosterscheldekering dài hơn 3km bao gồm 62 cánh cửa thép, mỗi cửa rộng 42m, nặng từ 300-500 tấn, được chống đỡ bằng 65 cột bêtông - mỗi cột cao 35-38,7m và nặng trung bình 18.000 tấn.

Bên trên những cánh cửa này là đường bêtông để xe chạy nối liền hai hòn đảo nhỏ. Bình thường những cánh cửa này để mở nhưng khi nước biển dâng cao khi có bão, người ta sẽ đóng các cánh cửa thép này lại.

Sở dĩ người Hà Lan cho xây dựng Oosterscheldekering là vì trận bão rất lớn năm 1953 làm 1.800 người thiệt mạng, 72.000 người phải di tản và 10.000 nhà cửa hư hỏng. Khu vực tây nam chưa được bảo vệ của đất nước Hà Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Kè chắn di động lớn nhất thế giới tại Hà Lan - (Ảnh: rotterdamexperience).

Từ hơn 1.000 năm nay, dân tộc Hà Lan luôn phải đối phó với nước để giữ cho diện tích ít ỏi của mình đủ khô ráo để canh tác. Họ phải làm đồng thời hai công việc, xây đê chắn nước biển và xây kè chắn lũ từ sông.

Ngoài ra, trong hệ thống đê - kè của công trình châu thổ, còn phải kể đến kè chắn bão Maeslant, thành phần mới nhất bổ sung vào công trình châu thổ nằm tại Rotterdam. Công trình bao gồm hai cổng, mỗi cổng cao 22m, dài 210m, nặng 6.800 tấn, có thể mở được. Đây cũng là kè chắn di động lớn nhất thế giới.

Sống chung với lũ

Không chỉ phải đối phó với nước từ Biển Bắc tràn vào, người Hà Lan còn phải đối phó với nước lũ dâng cao do nằm ở châu thổ của ba con sông Rhine, Schelde và Meuse cùng nhiều phụ lưu khác. Tất cả những sông này đổ ra Biển Bắc.

Trong suốt nhiều thế kỷ 20, người Hà Lan miệt mài xây kè dọc bờ sông để ngăn nước lũ. Năm 1977, đã có nhiều cảnh báo về sự yếu kém trong hệ thống kè nhưng khi đó chính quyền không thay đổi tư duy bởi vì giải pháp đòi hỏi phải giải tỏa rất nhiều nhà. Và người Hà Lan đã phải gánh chịu hậu quả khi hai trận lụt năm 1993 và 1995 khiến 200.000 dân di tản.

Điều này buộc Hà Lan tính tới giải pháp mang tên Lấy chỗ cho nước - Room for the river, tiêu tốn 2,3 tỉ USD, cải tạo 30 điểm "nóng" trên khắp đất nước Hà Lan.


Mô hình một công trình thuộc dự án Room for River, trong đó người ta đào con kênh song song dòng sông, biến doi đất trở thành một hòn đảo - (Ảnh: roomforriver).

Có nhiều giải pháp trong chương trình Lấy chỗ cho nước và các chuyên gia sẽ linh động sử dụng giải pháp nào cho từng địa điểm cụ thể nhưng chung quy đều là tạo thêm không gian cho nước lũ chảy nhanh ra biển.

Các giải pháp này bao gồm: nạo vét lòng sông, nạo vét bờ sông, dời đê ra xa bờ sông, mở thêm đường kênh song song sông, gỡ bỏ những vật cản nước chảy, tăng hoặc giảm chiều cao đê, gia cố đê, đặt trạm bơm...

Đơn cử công trình tại sông Bersche Maas bao gồm xây tám khu vực đất gò cao, cào đi 500.000m khối đất để giảm chiều cao của 6km đê bên một bờ sông, nạo vét 5,5ha cát đã giúp mực nước tại đây giảm 27cm.

Còn tại thành phố Nijmegen và Lent, người ta đã đào một con kênh ở doi đất nhô ra sông, biến vùng đất này thành một hòn đảo. Tổng cộng, người ta phải nạo vét và di dời 5 triệu m3 cát, đất sét để tạo thêm một dòng chảy phụ cho sông Waal. Kết quả mực nước khi có lũ giảm 35cm.

Tương tự, các công trình khác đều giúp mực nước sông giảm từ 30-70cm khi có lũ.

Cập nhật: 22/09/2016 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video