Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ vào mùa

Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa. Để tránh bị lây, nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý.

>>> Những điều "không thể không biết" về bệnh đau mắt đỏ

Những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt trung ương và khoa mắt tại các bệnh viện ở Hà Nội tăng mạnh. Theo bác sĩ Hoàng Cương, khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng mạnh, chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân.

Đau mắt đỏ gây dịch khi lan rộng, bệnh dễ lây, gần như đã thành thường niên. Tuy vậy mỗi năm bệnh có những khác biệt nhất định. Năm 2013, khi ở đỉnh dịch, bệnh gần như xuất hiện mạnh trên toàn quốc, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11.

"Năm nay có tháng nhuận nên dịch đau mắt đỏ đến muộn hơn năm ngoái", bác sĩ Cương nhận xét. Ông khuyên, nếu bệnh lây lan mạnh trong mùa tựu trường như năm nay thì ngành y tế, cha mẹ, thầy cô nên có ý thức phòng bệnh triệt để, điều trị quyết liệt, kiêng cữ nghiêm túc hơn. "Kinh nghiệm cho thấy bệnh sẽ lui giảm dần và gần như không xuất hiện nữa khi có cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về miền Bắc", bác sĩ Cương nói.

Theo ông, trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nói chung, do vậy cũng dễ bị đau mắt đỏ. Ngược lại người già ít gặp đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

Bệnh lây qua 3 đường chính: Hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay - mắt, quan hệ vợ chồng. Trường học là môi trường có tương tác lớn, do vậy rất dễ lây lan. Trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ nên nghỉ học 5-7 ngày. Y tế học đường cần đảm bảo trong mùa dịch trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng chung hay sử dụng như các tay nắm cửa, nút bấm thang máy...


Bác sĩ Hoàng Cương khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện mắt trung ương. (Ảnh: Nam Phương)

Theo bác sĩ Lê Xuân Thủy, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt.

Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm. Nếu bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.

Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo có độ nhớt thấp được khuyến cáo rộng rãi cho việc điều trị và phòng chống đau mắt đỏ. Kháng sinh và kháng sinh có trộn corticosteroid làm giảm ra dử, đem lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian điều trị. Một nghiên cứu trên tạp chí nhãn khoa của Anh (BJO) chứng minh dùng Dexamethasone nhỏ mắt trong 5-7 ngày làm giảm đáng kể thời gian điều trị.

Theo bác sĩ, có thể dùng các loại thuốc nhỏ mắt dùng cho tới khi mắt trở lại bình thường, khoảng 7-10 ngày. Dùng thuốc kéo dài làm tăng nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn, lãng phí tiền bạc, gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt. Trong trường hợp có biến chứng, bác sĩ mắt sẽ kê các thuốc đặc hiệu cho bệnh nhân: chống viêm, dinh dưỡng giác mạc, thuốc kháng virus…

Những biến chứng của đau mắt đỏ phải kể đến là viêm giác mạc các dạng: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu... có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Bên cạnh đó là viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây vô số phiền toái cho bệnh nhân. Vì vậy, khi đau mắt đỏ, bệnh nhân cần đi khám hoặc xin ý kiến tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video