Những bộ hài cốt vừa khai quật từ một nghĩa trang thời trung cổ đã đem đến cho các nhà khoa học dữ liệu về một căn bệnh lạ cổ xưa mà đến nay vẫn gây phiền nhiễu cho người hiện đại.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Barry Shaw đến từ Đại học Nottingham (Anh) đã giải mã được "lời nguyền" khiến nhiều người được chôn cất trong một nghĩa trang tu viện cổ tại Norton Priory (Cheshire, Tây Bắc nước Anh) phải đón nhận cái chết trẻ.
Khu nghĩa trang nơi các hài cốt dị hình được khai quật - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
16% trong số 130 hài cốt được chôn cất trong khu nghĩa trang có từ thế kỷ 12-16 này sở hữu bộ xương kỳ dị, với cấu trúc xương bị biến đổi, khác biệt với người bình thường đến 75%. Đa số họ chết trẻ ở tuổi trung bình là 35.
Phân tích các mẩu hài cốt còn sót lại, các nhà khoa học phát hiện chuỗi protein bất thường gọi là p62, đóng vai trò cơ bản gây nên tình trạng dị hình của các bộ xương. Bằng các công cụ hiện đại, họ đã khôi phục được hơn 60% chuỗi protein p62 cổ đại. Ngoài ra, trình tự RNA của một khối u xương ác tính ở một trong những bộ xương dị hình nhất cho thấy dấu hiệu của một phân tử RNA nhỏ phổ biến mà các bác sĩ thời hiện đại từng tìm ra.
Một khúc xương bị biến dạng từ những hài cốt bí ẩn - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Các dữ liệu di truyền nói trên đều dẫn tới bệnh Paget xương, một chứng viêm xương biến dạng thường gặp ở người 55 tuổi trở lên. Đây là một dạng rối loạn giữa quá trình duy trì và phục hồi xương, dẫn đến hình thành một số tổ chức xương mới có cấu trúc bất thường, đồng thời làm quá trình phục hồi xương chậm hơn khiến xương cốt người bệnh yếu đi nhanh chóng.
Thế nhưng, ở những hài cốt cổ đại này, căn bệnh này nguy hiểm và dường như tìm đến người bệnh ở lứa tuổi trẻ hơn rất nhiều.
Theo các nhà nghiên cứu, không chỉ giải thích được nguyên nhân sự tồn tại của các bộ hài cốt dị hình, các dữ liệu thu thập được cũng giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về căn bệnh mà nước Anh chính là một vùng dịch tễ. Mọi thông tin đều rất quan trọng bởi nguyên nhân của căn bệnh vẫn chưa được giải thích rõ ràng và ngành y học thế giới vẫn đang nỗ lực để tìm hiểu về nó.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.