Việc phát hiện hầm rượu vang cổ xưa ở Israel cho thấy con người đã sản xuất, phân phối và tiêu thụ rượu vang từ rất lâu đời ở Địa Trung Hải và vùng Cận Đông, cách đây khoảng 4.000 năm.
Hầm rượu vang cổ xưa tại Tel Kabri, Israel. (Ảnh: Science Daily)
Năm 2013, trong một lần khai quật tại cung điện của người Canaanite sống ở Israel, các nhà khoa học phát hiện 40 bình rượu lớn trong một căn phòng kín nằm ở phía tây của sân trung tâm.
Kết quả phân tích dư lượng chất hữu cơ bằng phương pháp khối phổ cho thấy tất cả các bình trên đều chứa hợp chất hóa học của rượu vang. Nhóm chuyên gia cũng phát hiện ra những khác biệt tinh tế về thành phần và chất phụ gia có trong các bình rượu có hình dạng giống nhau như mật ong, nhựa cây, dầu cây tuyết tùng, cây bách xù và có thể bao gồm bạc hà, cây mía và quế.
Sciencedaily cho hay, quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ rượu vang đóng vai trò quan trong đời sống của những người dân sống ở vùng Địa Trung Hải và Cận Đông trong thời đại đồ đồng (trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 1600 trước Công nguyên). Tuy nhiên cho đến nay, có rất ít bằng chứng khảo cổ học về rượu vang trong giai đoạn này.
Theo nhóm nghiên cứu, việc phát hiện chất phụ gia cho thấy, từ lâu con người đã có hiểu biết tinh tế về thực vật và kỹ năng cần thiết để sản xuất ra một loại đồ uống phức tạp, ngon miệng, có thể bảo quản được. Phát hiện này cũng có thể giúp tìm hiểu hiểu rõ hơn về nghề trồng nho cổ đại và nền kinh tế thịnh vượng của người Canaanite.