Các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện nghĩa trang thời Tây Hán nguyên vẹn nhất từ trước đến nay, trong đó ngôi mộ chính có thể là nơi an nghỉ của cháu trai Hán Vũ Đế.
Phát hiện mộ cổ của Lưu Hạ - cháu trai Hán Vũ Đế
Tổ hợp mộ cổ được tìm thấy ở Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây. Khu vực này có diện tích khoảng 40.000m2, bao gồm 8 ngôi mộ và một nơi chôn xe ngựa với các bức tường trải dài gần 900m.
Theo Xinhua, các nhà khảo cổ suy đoán ngôi mộ chính là nơi an nghỉ của Xương Ấp Vương Lưu Hạ, cháu trai Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế là hoàng đế thứ 7 đời nhà Hán, cai trị trong 54 năm (140 TCN - 87 TCN), được đánh giá là minh quân, đã làm nhiều việc củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài.
Đồng xu được tìm thấy ở khu vực khai quật. (Ảnh: Xinhua).
Ông truyền ngôi cho Hán Chiêu Đế, nhưng hoàng đế này qua đời ở tuổi 21 mà không có người nối dõi, buộc các đại thần phải đưa cháu nội của ông là Lưu Hạ lên làm vua. Sử sách khi chép rằng Lưu Hạ cùng các thủ hạ ăn chơi sa đọa và không lo việc triều chính. Sau 27 ngày tại vị, Lưu Hạ bị các đại thần truất ngôi và được gọi là Áp Hầu vùng Hải Hôn. Ông này qua đời năm 59 TCN, thọ 33 tuổi.
Xu Changqing, giám đốc Viện nghiên cứu di tích Văn hóa tỉnh Giang Tây, hôm 6/11 cho biết đây là nghĩa trang triều đại Tây Hán (206 trước Công nguyên – 25 sau Công nguyên) hoàn chỉnh và được bảo tồn tốt nhất từng được phát hiện.
Nhóm nghiên cứu có thể nhìn thấy rõ phần móng của các ngôi mộ được cho là nơi chôn cất của Lưu Hạ và vợ, cũng như đền thờ xung quanh. Khu vực khai quật có đường, hệ thống thoát nước cùng nhiều nhạc cụ như chuông, sáo quạt, đàn sắt (giống đàn cầm, nhưng lớn hơn, có 25 dây) và khèn sênh.
Chuyên gia Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc Xin Lixiang, người đứng đầu nhóm khai quật, cho biết họ còn tìm thấy 10 tấn tiền xu bằng đồng, hơn 10.000 món đồ bằng vàng, đồng và sắt, đồ ngọc bích, thẻ gỗ và thẻ tre. Trong giai đoạn tiếp theo, họ sẽ tìm kiếm các đồ vật bên trong quan tài ở lăng mộ trung tâm.
"Nó có thể chứa ngọc tỉ (con dấu) và trang phục hoàng tộc để chứng minh thân thế và danh tính của người được chôn trong mộ”, ông nói.
Đèn chim nhạn. (Ảnh: Xinhua).
Đây cũng là ngôi mộ duy nhất được khai quật ở khu vực phía nam sông Dương Tử với xe ngựa thật.
"Chúng tôi tìm được 5 cỗ xe ngựa, mỗi chiếc do 4 con ngựa kéo và hơn 3.000 phụ kiện trang trí bằng vàng, bạc. Phát hiện này rất quan trọng trong nghiên cứu phong tục chôn cất theo cấp bậc. Nó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về tình hình xã hội, kinh tế và văn hóa thời Tây Hán, thậm chí là sự phát triển âm nhạc, giao thông, đo lường, nghệ thuật, chữ viết của Trung Quốc", Xu cho hay.
Li Xiaojie, đại điện Cục Di sản Văn hóa, đề nghị đưa khu tổ hợp mộ vào hồ sơ đề cử di sản trình lên UNESCO.