Theo Cục Khí tượng Thủy văn Hàn Quốc (KMA) ngày 30/5 nước này lần đầu tiên đã đưa tàu quan trắc khí tượng trên biển vào sử dụng để góp phần tăng cường khả năng dự báo thời tiết trong tương lai.
Con tàu mang tên Gisang 1 đã được KMA chính thức hạ thủy ngày 30/5 tại Cảng Incheon (phía Tây Seoul).
Việc đưa tàu Gisang 1 vào sử dụng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường khả năng dự báo thời tiết của xứ sở Kim chi vốn rất khó khăn do có ba mặt giáp biển. Theo đó, chiếc tàu này có thể giúp nhanh chóng dự báo chính xác về những cơn mưa lớn hoặc bão tuyết ở các khu vực dọc bờ biển.
Được trang bị các trang thiết bị đa dạng về hải dương học và ra đa quan sát, con tàu “Gisang 1” với trọng tải 498 tấn sẽ được neo đậu ở ngoài khơi phía Tây để cung cấp các số liệu liên quan đến hướng và tốc độ gió, nhiệt độ nước biển, áp suất khí quyển và độ mặn của nước biển.
Theo KMA, con tàu Gisang 1 có thể di chuyển đến bất cứ địa điểm nào trên Hoàng Hải trong quãng thời gian 10 tiếng để ghi lại những thông tin cần thiết để đưa ra những dự báo về thời tiết trong 24 giờ.
Đồng thời, Gisang 1 sẽ chuyển những thông tin xác thực đó đến KMA thông qua đường truyền vệ tinh. Cũng theo KMA, trong trường hợp cần thiết, tàu Gisang 1 có thể di chuyển đến các vùng biển phía Nam và phía Đông của Hàn Quốc.
Phát biểu với báo giới, Giám đốc KMA Um Won-geun cho biết thêm rằng “Việc đưa tàu Gisang 1 vào sử dụng là nhằm tăng cường thêm khả năng dự báo thời tiết của quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng góp phần nâng cao khả năng quan trắc trên biển đồng thời giảm thiểu những dự báo thiếu chính xác.”
Với số vốn đầu tư lên đến 13,3 tỷ won (khoảng 12,3 triệu USD), tàu Gisang 1 có thể di chuyển với vận tốc tối đa là 33 km/h với hành trình dài 7.400 km và có thể chở được tối đa 47 người.
Theo KMA, những số liệu tàu Gisang 1 thu được cũng sẽ được sử dụng để theo dõi và phân tích về những tác động ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu ở khu vực Đông Bắc Á, đồng thời góp phần cùng cộng đồng quốc tế đối phó với các thảm họa thiên nhiên lớn như bão, động đất và rò rỉ phóng xạ.