Hơn 1.000 con hổ bị giết trong 10 năm qua do hoạt động buôn bán bất hợp pháp các bộ phận của chúng, mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) thông báo.
Loài hổ có thể tuyệt chủng trong vòng 12 năm tới.
Một báo cáo của TRAFFIC, được công bố hôm 9/11, cho thấy lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1.069 tới 1.220 bộ phận của hổ bị buôn bán bất hợp pháp tại 11 quốc gia có hổ từ tháng 1/2000 tới tháng 4/2010. Theo AFP, Ấn Độ, nơi sinh sống của một nửa số hổ trên toàn cầu, thu được nhiều bộ phận cơ thể hổ nhất. Trong 276 chiến dịch truy quét tại Ấn Độ cảnh sát tìm được bộ phận cơ thể của 533 con hổ. Đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách là Trung Quốc và Nepal.
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán bất hợp pháp vẫn tiếp tục tăng ở các quốc gia Đông Nam Á. Số lượng bộ phận cơ thể hổ bị thu giữ tiếp tục tăng ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Da, xương, móng, hộp sọ và tinh hoàn của hổ là những thứ bị tịch thu nhiều nhất. Lực lượng chức năng các nước cũng thu giữ được cả con hổ trong tình trạng còn sống và đã chết.
“Bộ phận của hơn 100 con hổ bị tịch thu mỗi năm trên toàn thế giới”, ông Pauline Verheij, một trong những tác giả của bản báo cáo, cho biết.
Mike Baltzer, giám đốc Chương trình bảo tồn hổ toàn cầu Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) - phát biểu: “Báo cáo của TRAFFIC cho thấy hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp những nỗ lực đáng kể và thường xuyên của nhiều chính phủ và tổ chức”.
Khu vực biên giới của Myanmar với Ấn Độ và Trung Quốc, biên giới Malaysia-Thái Lan và biên giới Nga-Trung Quốc là những điểm nóng về buôn bán hổ. Người ta dùng các bộ phận của hổ để làm thuốc, trang trí và bùa hộ mệnh.
Tháng trước WWF cảnh báo hổ có thể tuyệt chủng trong vòng 12 năm tới. Trong 100 năm qua số lượng hổ đã giảm 97% và hiện chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn sống trên thế giới. Một hội nghị thượng đỉnh của 13 nước có hổ sẽ được tổ chức tại thành phố Saint Petersburg của Nga từ ngày 21 tới 24/11.