Hàng trăm tỷ đồng để tẩy độc dioxin tại các vùng nóng

Một số vùng nóng về hóa chất độc do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam sẽ được xử lý dứt điểm với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Các nơi tập kết chất độc da cam/dioxin của quân đội Mỹ ở một số sân bay Việt Nam có nồng độ dioxin trong đất cực cao (Ảnh: DownTheRoad)

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) cho biết các điểm nóng sẽ được tẩy độc từ nay đến năm 2010 gồm khu vực sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát.

Các sân bay này trước đây được quân đội Mỹ dùng làm nơi chứa hóa chất độc/dioxin.

Nồng độ dioxin ở các nơi này hiện nay vẫn cao và rất cao, thậm chí lên tới hàng nghìn ppt (viết tắt của part per trillion - phần nghìn tỷ), trong khi nồng độ cho phép trong đất nông nghiệp Mỹ chỉ 1.000ppt.

Công việc tẩy độc được giao cho Bộ Tư lệnh hóa học, Bộ Quốc phòng, thực hiện. Được biết, các nhà khoa học ở Bộ Tư lệnh hóa học đã hoàn thành đề tài khoa học cấp Nhà nước về nghiên cứu công nghệ tối ưu xử lý hóa chất độc/dioxin ở các điểm nóng.

Theo phương pháp chôn lấp tích cực, các khu vực điểm nóng sẽ được đào hào cách ly với vùng xung quanh. Sau đó các nhà khoa học sử dụng một loại vi sinh vật bản địa có khả năng ăn hóa chất độc và thải ra các chất không độc.

Kết hợp với biện pháp vi sinh là biện pháp hóa học và tạo lớp phủ bentonite, một loại khoáng phố biến ở Việt Nam. Lớp phủ bentonite này, với khả năng trương nở khi gặp nước và tính chất như đất sét, không cho phép chất độc thẩm thấu ra ngoài môi trường trong khi vẫn tạo điều kiện cho quá trình sinh hóa phân hủy chất độc diễn ra bên trong.

Điểm nóng đầu tiên được Bộ Tư lệnh hóa học khảo sát là sân bay Biên Hòa, Đồng Nai. Sau khi hoàn thành dự trù kinh phí và trình Chính phủ từ khảo sát này, công việc tẩy độc sẽ chính thức tiến hành từ cuối năm nay hoặc muộn nhất là đầu sang năm.

Trong lúc chờ đợi Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch thực hiện, việc cần làm ngay lúc này là phải cô lập được các điểm nóng, TS Dũng cho biết. Đầu tiên cần phải khoanh vùng chính xác các khu vực bị nhiễm dioxin tại ba vùng nóng. Di dời nhân dân (nếu có) ra khỏi các vùng bị nhiễm độc.

Tiếp theo, cần phải đào mương, xây tường bao quanh hạn chế sự lan tỏa của chất độc dioxin sang các vùng lân cận. Cũng theo TS Dũng, bên cạnh cô lập, tẩy độc vùng nóng, cũng cần nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn cho phép hàm lượng dioxin trong đất.

TS.BS Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 cho biết, nồng độ dioxin tại sân bay Đà Nẵng là cao nhất (có mẫu lên đến hàng trăm nghìn ppt), sau đó là sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát.

Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, phát hiện những biến đổi về hệ thực vật, động vật trên cạn và dưới nước tại các vùng nóng và vùng lân cận. Kết quả cho thấy, tình hình bệnh tật và dị tật bẩm sinh tại các vùng nóng cao hơn so với các vùng khác.

Cũng theo TS.BS Sơn, tại các vùng nóng, các nghiên cứu gần đây đã xác định nồng độ dioxin cao trong động vật sống ở lớp bùn của các hồ lân cận. Vì thế, nhân dân ở những vùng này được khuyến cáo không ăn lươn, trạch, ốc, cua là động vật sống trong lớp bùn tại các hồ này và không ăn mỡ các gia cầm như gà, vịt vì dioxin thường tích tụ trong các mô mỡ của các động vật này.

Thủy Ly

Theo Tiền Phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video