Hàng tỷ USD tiêu tan ở Anh vì một loài cây từ Nhật

Loài cây cốt khí củ có nguồn gốc từ Nhật Bản đang trở thành mối đe dọa cho hệ sinh thái bản địa của Anh, đồng thời khiến chủ sở hữu các bất động sản thiệt hại hàng tỷ USD.

Năm 2014, Paul Ryb mua một ngôi nhà ở Highgate, London mà không lường trước hiểm họa sẽ đến. Mùa xuân 2015, những người làm vườn phát hiện những đám cây cốt khí củ đe dọa toàn bộ hệ sinh thái của khu vườn. Ryb phải thuê người đào toàn bộ khu vườn để loại bỏ loài cây từ Nhật Bản, tốn hơn 12.000 USD.

Sau đó, chủ nhân ngôi nhà khởi kiện người trước đó đã giúp ông kiểm định căn nhà. Năm 2019, tòa án xử Ryb thắng kiện và được bồi thường 60.000 USD, theo Guardian.

Loài xâm lấn nguy hại

Cốt khí củ có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng đã lan rộng khắp châu Âu và Bắc Mỹ và trở thành loại thống trị ở nhiều môi trường sống khác nhau. Chúng mọc rất nhanh, có thể cao tới 2,5m chỉ trong vòng một tháng và bao phủ một diện tích rộng lớn.

Tại London, nhiều khu vực được chọn là nơi tổ chức Olympic 2012 từng bị cốt khí củ xâm lấn. Nhà chức trách đã phải tốn hàng chục triệu USD để xử lý loài cây này.

Cốt khí củ rất khó bị tiêu diệt, ngay cả khi bị nhổ bật gốc, làm rụng lá, chúng thậm chí có thể sống sót ngay cả khi dung nham nóng chảy qua. Tại Anh, các bất động sản bị cốt khí củ xâm lấn khiến chúng bị giảm giá trị tổng cộng tới 25 tỷ USD.


Loài cây cốt khí củ có nguồn gốc từ Nhật Bản đang là một mối lo cho hệ sinh thái bản địa ở Anh. (Ảnh: Guardian).

Sự lan rộng của loài cây xâm lấn từ Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Anh, một số ủy ban đã được thành lập để tìm cách ứng phó với cốt khí củ. Tuy nhiên đến nay, chưa có giải pháp khả thi nào được tìm ra.

Gethin Bowes, chuyên gia về môi trường, cho biết phần rễ là "pin" tiếp năng lượng cho sức sống của cây cốt khí củ. Ngay cả khi phần thân đã bị cạo sạch hoặc bị tiêu diệt bởi thuốc diệt cỏ, bộ rễ sâu dưới mặt đất có thể nằm im tới 20 năm trước khi mọc lại, khiến cốt khí củ trở thành mối đe dọa dai dẳng.

Khi rễ cây nằm im dưới mặt đất, những tác động từ bên ngoài sẽ kích thích chúng phát triển, mọc lại cây mới. Ngay cả một mẩu rễ nhỏ cũng có thể mọc thành một cây hoàn chỉnh.

Để có thể tiêu diệt cốt khí củ, cần loại bỏ mọi tàn dư của rễ cây dưới mặt đất. Tại Anh, một số chuyên gia kiểm định bất động sản phải sử dụng chó đã qua đào tạo để đánh hơi phát hiện rễ cây cốt khí củ.

Loài cây từ Nhật Bản là đặt ra những thách thức cho các dự án xây dựng lớn. Chúng xuất hiện gần như ở mọi nơi, từ bờ sông, ven đường, bãi đậu xe, cho tới vườn cây tư nhân. Ngay cả tại những mảnh đất từng được xử lý, cốt khí củ vẫn có thể quay trở lại, xâm nhập vào cấu trúc bên trong các tòa nhà.

Khó tiêu diệt hoàn toàn

Cốt khí củ Nhật Bản có mặt tại Anh từ 1850 thông qua các hoạt động thương mại. Thời điểm đó, các loài thực vật từ nước ngoài chưa được coi là loài xâm lấn như hiện nay. Thậm chí, cốt khí củ còn được yêu thích bởi khả năng phát triển ổn định và tính thẩm mỹ.

Thế nhưng, vào đầu thế kỷ XX, loài cây từ Nhật Bản bắt đầu phát triển mạnh trong tự nhiên và lan ra khắp nước Anh. Các nỗ lực kiểm soát sự sinh sôi của cốt khí củ đều không hiệu quả. Loài cây từ Nhật Bản, cùng các loài xâm lấn khác, bắt đầu thay thế các loài cây bản địa.

Tác động từ sự sinh sôi của cốt khí củ không mấy được quan tâm cho tới khi chúng ảnh hưởng tới giá trị bất động sản. Sự hiện diện của loài cây này có thể khiến bất động sản sụt giá đáng kể, thậm chí khiến các ngân hàng từ chối cho vay để mua nhà.


Cách hiệu quả diệt cốt khí củ là sử dụng chất diệt cỏ. (Ảnh: Guardian).

Năm 2012, Viện Khảo sát Công chứng Hoàng gia Anh ra quy định coi sự hiện diện của cốt khí củ trong phạm vi 7 m là mối đe dọa tới giá trị bất động sản, khiến giá trị hàng triệu căn nhà bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhà chức trách không tìm ra giải pháp hữu hiệu nào để xử lý vấn đề.

Cốt khí củ có sức sống mạnh mẽ vượt trội các đối thủ khác, chúng ngăn cản sự sinh sôi của các loài cây nhỏ hơn nhờ một hóa chất bên trong lớp lá của mình. Dù không thể đâm xuyên qua bê tông cốt thép hay làm xói mòn nền móng các tòa nhà, cốt khí củ có thể đâm xuyên qua những vết nứt.

Loài cây từ Nhật Bản cũng có những sự thay đổi theo mùa. Chúng rụng lá vào mùa đông và sinh trưởng tươi tốt trong mùa hè. Lá của cốt khí củ có hình trái tim, hoa màu kem.

Các công nhân kiểm soát thực vật thường sử dụng glyphosate để tiêu diệt cốt khí củ, đây là loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi. Dù glyphosate bị hoài nghi gây ra những lo ngại cho sức khỏe cộng đồng, chuyên gia Gethin Bowes cho rằng loại thuốc này là lựa chọn kiểm soát cốt khí củ hiệu quả nhất.

Dù thừa nhận có những lo ngại về tác động sức khỏe khi sử dụng glyphosate, ông Bowes cho rằng việc để loài cây này sinh sôi tự do không kiểm soát sẽ có những tác động tồi tệ hơn nữa cho môi trường và đa dạng sinh học.

Dan Jones, tiến sĩ sinh vật học, cho biết đã làm thí nghiệm về kiểm soát cốt khí củ từ 2011. Jones điều hành một công ty tư vấn về đối phó các loài xâm lấn có tên Advanced Invasives. Trên cánh đồng rộng hàng chục km2 ở Cardiff, Advanced Invasives đã thử nghiệm nhiều cách thức để tiêu diệt cốt khí củ.

Jones cho biết cắt cỏ trên mặt đất chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Nghiên cứu công bố năm 2018 của Jonese cho biết phương pháp hữu hiệu nhất là sử dụng glyphosate vào mùa thu trong nhiều năm liên tiếp.

Tuy vậy, dù lớp cây trên mặt đất bị tiêu diệt hoàn toàn, phần rễ cốt khí củ vẫn tiếp tục bám sâu trong lòng đất, khiến việc tiêu diệt hoàn toàn loài cây này là bất khả thi. Để có thể tiêu diệt hoàn toàn, chỉ có cách đào tận gốc và loại bỏ toàn bộ lớp đất, tuy nhiên cách làm này rất đắt đỏ.

Cập nhật: 19/05/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video