Dự án điên rồ hàng tỷ USD tìm "thuốc trường sinh" với sự tham gia của một loạt các tỷ phú

  •  
  • 627

Những bước tiến đột phá trong mảng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ tế bào đang khiến ngành "thuốc trường sinh" ngày càng sôi động.

Khi Nir Barzilai trở thành chuyên gia mảng chống lão hóa (Anti Ageing) cách đây 30 năm, ngành này vẫn chỉ là một hy vọng xa với của các nhà khoa học.

Thế nhưng hiện nay, ngày càng nhiều tỷ phú đổ tiền cho mảng này khi nhiều nghiên cứu đột phá ra đời, qua đó có thể biến những đại gia công nghệ như: Jeff Bezos, Larry Page và Sergey Brin thành “Người bất tử”.

Chúng ta đã qua thời mơ mộng rồi. Đây là thời điểm hiện thực hóa các cam kết”, giám đốc Barzilai của Viện nghiên cứu chống lão hóa trường đại học Albert Einstein College of Medicine nhận định.

Vị chuyên gia này đang tiến hành một cuộc thí nghiệm tiên phong với thuốc Metformin vốn dùng chữa tiểu đường, xem có thể giúp kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm hay không sau những kết quả nghiên cứu đầy lạc quan ở Anh trên bệnh nhân thực.

Nếu Metformin được các cơ quan chức năng thừa nhận có công dụng chống lão hóa thì giám đốc Barzilai tin rằng vô số ông lớn ngành dược phẩm và sinh học sẽ nhảy vào ngành này.

Nếu được chứng thực thì tôi nghĩ đây sẽ là cơn địa chấn cho toàn thế giới”, ông Barzilai nhận định.

Thuốc chống lão hóa
Ngành chống lão hóa đang ngày càng nóng.

Thuốc trường sinh

Tờ Financial Times (FT) nhận định công cuộc tìm thuốc trường sinh của nhân loại đã kéo dài hàng thế kỷ, từ việc sáng chế vaccine, chế tạo những loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng cho đến những phương pháp sinh hoạt, ăn uống kéo dài tuổi thọ.

Tuy nhiên hiện tại các công ty sinh học vẫn chưa dám cam kết sự “bất tử” cho các dự án mà họ đang nghiên cứu. Phần lớn những công trình này nhắm tới việc gia tăng thời gian sống khỏe mạnh cho nhân loại chứ chưa đủ sức kéo dài sự sống mãi mãi. Mục tiêu chính là chấm dứt khoản chi phí đắt đỏ của những người già cũng như gia tăng năng suất lao động cho vòng đời lao động.

Hiện ông Barzilai đã gọi vốn được 22 triệu USD, bao gồm 9 triệu USD từ Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) và đang tích cực để kiếm đủ 50-75 triệu USD cho dự án kéo dài 4-6 năm trên.

Theo giám đốc Barzilai, việc gọi vốn cho một dự án chưa có tính đột phá là điều khó khăn khi các công ty chỉ muốn lợi nhuận trước mắt, trong khi chính phủ thì ưa thích các dự án chống dịch bệnh nhiều hơn.

Trên thực tế, những nhà tài trợ chính cho mảng này đến từ các tỷ phú công nghệ là nhiều, như nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon, Larry Page và Sergey Brin của Google... đều đã có những khoản đầu tư cho các dự án chống lão hóa.

Đây là những nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính để chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt nhằm hướng đến sự bất tử.

Vào năm 2021, dự án chống lão hóa Altos Lab của Cựu giám đốc Rick Klausner thuộc Viện ung thư quốc gia Mỹ (NCI) đã gọi vốn được đến 3 tỷ USD, bao gồm cả những nhà đầu tư nổi tiếng như Jeff Bezos.

Trong khi đó, 2 nhà đồng sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page cũng đã đổ hàng tỷ USD cho nghiên cứu của Calico. Theo FT, Alphabet (Google) hiện đã cam kết sẽ đổ thêm 3,5 tỷ USD nữa cho dự án này.

Những nhà tài trợ chính cho mảng này đến từ các tỷ phú công nghệ 
Những nhà tài trợ chính cho mảng này đến từ các tỷ phú công nghệ. 

Tương tự, nhà đầu tư nổi tiếng Peter Thiel cũng đứng sau việc nghiên cứu của Unity Biotechnology, một công ty dược phẩm đã niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2018.

Tất nhiên, việc nhận đầu tư từ các tỷ phú cũng gây ra tranh cãi khi nếu thành công, xã hội sẽ bị phân hóa mạnh hơn.

Bạn giàu, bạn càng sống lâu thì càng giàu, sức ảnh hưởng của bạn càng lớn, trong khi những người nghèo thì chưa chắc chạm được vào loại thuốc trường sinh đó”, chuyên gia Christopher Wareham của trường đại học Ultrecht University nhận định.

Cái chết là gì?

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học luôn đặt câu hỏi lão hóa là gì. Vào năm 2013, một nhóm những nhà nghiên cứu đã chỉ ra 9 dấu hiệu lão hóa và cho rằng chính mã gene cũng như hệ thống sinh hóa trong cơ thể đã dẫn đến sự suy giảm chức năng và tử vong của cơ thể.

CEO Eric Verdin của Viện nghiên cứu lão hóa Buck (BIRA) tại California cho biết giờ đây, thay vì chỉ đặt các câu hỏi cơ bản hoặc chấp nhận quá trình lão hóa một cách thụ động thì nhiều dự án đã bắt đầu tác động để thay đổi chúng.

Quan điểm của giới khoa học đang có sự tiến bộ đáng kể khi lão hóa không còn được coi là một quá trình tự nhiên nữa mà là yếu tố gây ra dịch bệnh, giảm năng suất.

Yếu tố gây ra bệnh tật nhiều nhất thế giới không phải béo phì hay hút thuốc mà chính là tuổi già”, CEO Eric Verdin cho biết.

Đồng quan điểm, CEO James Peyer của hãng dược Cambrian Biopharma cho biết các nhà nghiên cứu đang cố gắng phát triển những dòng thuốc thế hệ mới có thể chống lão hóa và có độ an toàn tương tự như vaccine hay kháng sinh.

Một trong những bước tiến đột phá của mảng “thuốc trường sinh” này là là việc đảo ngược đồng hồ sinh học của tế bào cơ thể bằng cách dùng các yếu tố trẻ hóa (Rejuvenation Factors), qua đó không chỉ trẻ hóa tế bào mà còn đảo ngược tiến trình sinh bệnh khác.


Tuổi thọ bình quân của người dân Anh đã tăng gấp đôi trong khoảng năm 1841-2011

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang tìm cách giải quyết việc tích tụ các tế bào “già” ở người cao tuổi. Đây là những tế bào không chịu phân chia nhưng cũng chẳng chết đi, cứ tồn tại mãi và là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Nghiên cứu của phòng khám Mayo Clinic tại Mỹ trên chuột cho thấy nếu để những tế bào “già” này chết đi thay vì tồn tại thì các cá thể sống sẽ khỏe mạnh và tồn tại lâu hơn 20-30% so với những con chuột thường.

Dẫu vậy, các dự án trên mới chỉ tiến hành thử nghiệm trên động vật và để có thể sản xuất “thuốc trường sinh” trên cơ thể người là một quãng đường còn rất xa.

Trong khi thí nghiệm trên chuột có thể thấy được kết quả nhanh chóng thì các nhà khoa học không thể chờ hết vài đời người để xem thuốc thử trên cơ thể người có thực sự hiệu nghiệm hay không cũng như có di chứng di truyền gì không.

Đó là chưa kể đến những luật lệ, quy định hiện hành khi “lão hóa” hiện chưa được một quốc gia nào coi là yếu tố gây dịch bệnh, trong khi nếu là “thuốc” thì phải chữa một loại bệnh nào đó mới được sản xuất theo quy định.

Chính vì chưa có tiền lệ nào nên nếu được nghiên cứu thành công thì “thuốc trường sinh” cũng gặp rất nhiều rắc rối để có thể xuất hiện trên thị trường.

Quay trở lại với Metformin của Barzilai, dù nghiên cứu cho thấy dược phẩm này có khả năng kéo dài tuổi thọ nhưng khi làm việc với các cơ quan chức năng tại Anh thì tác dụng của thuốc sẽ là chữa đột quỵ, suy tim, ung thư, mất trí... nếu muốn thông qua vòng kiểm định.

Cập nhật: 04/01/2023 nhipsongthitruong
  • 627