Bạn có bao giờ tự hỏi thứ gì ẩn giấu bên trong chiếc đuôi trứ danh của rắn chuông (hay còn gọi là rắn đuôi chuông), loài bò sát sở hữu nọc độc cực mạnh, có thể giết chết các con mồi ngay tức khắc chỉ bằng một nhát cắn? Một nhà khoa học nghiệp dư người Mỹ và con trai của anh đã có đáp án cho câu hỏi này.
Bắt nguồn từ mục đích giúp con trai hoàn thành một dự án khoa học, Daniel Markham đã dần dần tạo dựng nên "What's Inside?", một kênh được nhiều người ưa thích trên YouTube. Với sự dẫn dắt dung dị và dễ hiểu của hai cha con Markham, "What's Inside?" thường xuyên tìm hiểu những gì tồn tại bên trong các vật dụng hàng ngày và cả các động vật trên thế giới.
Đoạn video mới nhất trên "What's Inside?" cho thấy cách hai cha con Markham đã giải phẫu một chiếc đuôi rắn chuông để tìm hiểu về những gì ẩn chứa bên trong nó như thế nào. Mẫu vật họ sử dụng là một chiếc đuôi rắn chuông mà anh Markham mua trên eBay, từ một người đàn ông ở bang Texas, Mỹ.
Rắn đuôi chuông có thể lắc đuôi phát ra tiếng động tới 50 lần/giây.
Cuộc điều tra về rắn chuông bắt đầu ở sở thú, nơi cha con nhà khoa học nghiệp dư so sánh mẫu đuôi với đuôi nguyên vẹn của một con rắn chuông vẫn còn sống. Quay trở về nhà riêng ở Phoenix, bang Arizona, Mỹ, họ bắt đầu tiết lộ một số sự thức đã khám phá được về loài bò sát này, chẳng hạn như việc một con rắn chuông có thể lắc đuôi phát ra tiếng động tới 50 lần/giây trong suốt nhiều tiếng đồng hồ liên tục.
Người cha sau đó tiến hành giải phẫu đuôi của rắn chuông, bằng cách dùng một con dao sắc cắt mở theo chiều dọc các "nút cài" cấu tạo đuôi. Anh và con trai ngạc nhiên phát hiện, bên trong đuôi trống rỗng.
Như vậy, tiếng động phát ra từ đuôi rắn chuông khi rung lắc là do hai lớp chất sừng (keratin) cứng, rỗng ở cuối đuôi va chạm vào nhau. Đuôi rắn sẽ tăng thêm một lớp mới mỗi lần con vật lột da, nên đây không phải là căn cứ để biết chính xác tuổi của một con rắn chuông như mẹo phổ biến lâu nay.
Hiện có hơn 20 loại rắn chuông khác nhau, được tìm thấy ở khu vực Bắc và Nam Mỹ.