Hé lộ bí mật của quái vật biển cả có 3 trái tim, 9 bộ óc

Sinh vật có 3 trái tim, 9 bộ óc đó chính là bạch tuộc. Chúng còn có máu xanh lam và một hệ thống thần kinh kì lạ quái đản chẳng giống sinh vật nào trên Trái đất.

Chúng sở hữu khoảng 500 triệu tế bào thần kinh, hơn 2/3 trong số đó nằm trong các xúc tu và cơ thể của chúng. Do đó, bạch tuộc được cho là có 9 bộ não - một bộ não hình chiếc bánh rán trong đầu và 8 bộ "não nhỏ" khác nằm trong mỗi xúc tu - khiến một số nhà khoa học tự hỏi liệu xúc tu có thực sự có "tâm trí của riêng chúng" và có thể hoạt động độc lập với não trung tâm hay không?

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy điều này không hoàn toàn đúng. Nghiên cứu mới được báo cáo trên tạp chí Current Biology đã xem xét hệ thống thần kinh trung ương của bạch tuộc và tiết lộ rằng xúc tu của chúng không thực sự hoạt động độc lập với bộ não trung tâm, nhưng trên thực tế, có nhiều liên kết hơn so với suy nghĩ trước đây.


Bạch tuộc sở hữu khoảng 500 triệu tế bào thần kinh.

"Nghiên cứu này đã làm rõ rằng xúc tu của bạch tuộc không hoạt động hoàn toàn độc lập với não bộ - có luồng thông tin giữa hệ thần kinh ngoại vi và trung ương. Thay vì nói về một con bạch tuộc với 9 bộ não, chúng ta đang thực sự nói về một con bạch tuộc với một bộ não và tám xúc tu rất thông minh", tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Tamar Gutnick, một nhà nghiên cứu bạch tuộc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Okinawa, Nhật Bản cho biết.

Để đưa ra kết quả, các nhà nghiên cứu đã xem xét các loài bạch tuộc Địa Trung Hải phổ biến để xem liệu các xúc tu đơn lẻ có thể cung cấp cho não hai loại thông tin cảm giác khác nhau thông qua một số thí nghiệm mê cung hay không.

Mê cung bao gồm một đường ống hình chữ Y, trong đó bạch tuộc có thể đưa xúc tu của mình xuống con đường bên phải hoặc bên trái để tìm phần thưởng thức ăn. Chúng dường như khám phá mê cung bằng cách sử dụng các chuyển động nhanh, bằng cách đẩy hoặc đưa xúc tu của chúng đi thẳng qua ống vào hộp cuối. Nếu lấy đúng ống thì bạch tuộc sẽ tìm thấy thức ăn, nhưng nếu đi vào ống sai, thức ăn sẽ bị chặn bởi một tấm lưới và các nhà khoa học đã loại bỏ mê cung.

Nghiên cứu cho thấy rằng 5 trong số 6 con bạch tuộc cuối cùng đã học được hướng chính xác để đẩy hoặc kéo xúc tu của chúng qua mê cung để lấy thức ăn. Điều quan trọng nhất, họ có thể điều hướng thành công mê cung bằng những xúc tu chưa từng được sử dụng trước đây.

Các nhà nghiên cứu cho biết, quá trình học hỏi này cho thấy các xúc tu đòi hỏi não bộ trung tâm và chúng không tự chủ hoạt động như một bộ óc độc lập của riêng mình.

"Chúng tôi kết luận rằng mặc dù các xúc tu của bạch tuộc có khả năng hoạt động độc lập rất lớn, nhưng chúng cũng phải chịu sự kiểm soát của trung tâm, cho phép các hành vi có mục đích, có tổ chức của toàn bộ sinh vật nói chung", các nhà nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bí ẩn xoay quanh bộ não bạch tuộc. Về cơ bản, vẫn chưa rõ tại sao bạch tuộc và các loài động vật chân đầu khác lại rất thông minh. Trong khi các nhà khoa học nắm được phần nào về mức độ thông minh cao đã phát triển như thế nào giữa một số loài nhất định, chẳng hạn như tinh tinh hoặc cá heo, nhưng hầu hết các lý thuyết của họ đều thất bại khi áp dụng cho thế giới kỳ lạ của động vật chân đầu.

"Bộ não của bạch tuộc rất khác biệt. Nó vẫn là một chiếc hộp đen đối với chúng ta. Còn rất nhiều điều để học hỏi", tiến sĩ Gutnick kết luận.

Cập nhật: 30/11/2020 Theo Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video