Kết quả một nghiên cứu mới đã hé lộ lí do tại sao một số loài chim, trong đó có cả gà, đã bị teo nhỏ dương vật trong quá trình tiến hóa.
Các loài chim thuộc bộ gà, bao gồm gà, công, trĩ, ... thường phát triển dương vật khi còn là phôi thai, nhưng đến khi trưởng thành chỉ có cơ quan sinh dục ở tình trạng sơ đẳng. Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Current Biology, những loài chim này đã khởi phát một "chương trình" gene, có vai trò ngăn chặn dương vật mới nhú phát triển.
Khi trưởng thành, gà trống chỉ còn dương vật bị teo nhỏ.
Sự mất mát trên ở chim trống đã mang tới cho chim cái nhiều quyền kiểm soát hơn đối với quá trình sinh sản.
Tiến sĩ Martin Cohn, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Florida (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi phát hiện, việc suy giảm phát triển dương vật trong quá trình tiến hóa của các loài chim xảy ra do sự kích hoạt của một cơ chế bình thường tiêu diệt tế bào ở một vị trí mới như đầu dương vật đang phát triển".
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, một gene có tên gọi Bmp4 đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Ở giai đoạn phát triển của gà, khi Bmp4 được kích hoạt thì dương vật đang nảy nở của gà trống sẽ bắt đầu teo nhỏ.
Vùng màu đỏ chỉ dương vật của gà ở giai đoạn phôi thai trước khi bắt đầu teo nhỏ. (Ảnh: BBC).
Ở vịt và đà điểu sa mạc Úc, những loài chim vẫn giữ được dương vật, gene Bmp4 luôn ở tình trạng "tắt" và cơ quan sinh dục của con trống tiếp tục phát triển.
Do sự thiếu vắng của dương vật, gà và các loài chim khác thuộc bộ gà phải phát triển một phương pháp sinh sản không dựa vào khả năng thâm nhập của "cậu nhỏ". Cả chim trống và chim mái đều có một lỗ huyệt. Khi "yêu", hai lỗ huyệt này sẽ áp sát vào nhau, giúp chuyển tinh trùng vào đường sinh sản của con mái. Quá trình này còn được gọi là "nụ hôn lỗ huyệt".