Hiểm họa đằng sau vẻ đẹp cực quang của bão Mặt trời

Thông thường du khách thường phải bỏ ra một số tiền lớn và phải chịu đựng được thời tiết giá lạnh để có cơ hội chiêm ngưỡng cực quang, nhưng cuối tuần qua, nhiều người dân tại nhiều nơi trên thế giới chỉ cần ngước lên bầu trời đã có thể xem những màn trình diễn ánh sáng đầy màu sắc.

Cơn bão Mặt trời (bão địa từ) mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua bất ngờ tấn công Trái đất hôm 10/5 đã tạo ra hình ảnh cực quang ngoạn mục với nhiều màu sắc, từ màu hồng, xanh lá cây, tím, trên bầu trời Mexico, miền Nam châu Âu và Nam Phi. Tuy nhiên, trái với cảm giác hào hứng, thích thú của người dân, những người có nhiệm vụ bảo vệ Trái đất khỏi tác động của những cơn bão Mặt trời mạnh lại lo ngại có một mối đe dọa đang ẩn sau những màu sắc tuyệt đẹp đó. 


Hình ảnh cực quang tuyệt đẹp ở Palencia, Tây Ban Nha tạo ra sau trận bão Mặt trời mạnh nhất 20 năm. Ảnh cắt từ video do hãng tin Reuters phát ngày 12/5/2024.

Ông Quentin Verspieren, điều phối viên chương trình an toàn không gian của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nhấn mạnh: “Chúng ta cần hiểu rằng đằng sau vẻ đẹp này ẩn chứa mối nguy hiểm”.

Cùng chung quan điểm trên, ông Mike Bettwy, thuộc Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ, cho biết các nhà khoa học đang tập trung vào những tác động tiềm ẩn nguy hiểm hơn của các cơn bão Mặt trời, trong đó có việc phá hủy lưới điện và vệ tinh, hoặc khiến các phi hành gia phải tiếp xúc với mức độ phóng xạ nguy hiểm.

Cực quang mới nhất được gây ra bởi cơn bão Mặt trời mạnh nhất kể từ "Bão Halloween" hồi tháng 10/2003, gây mất điện ở Thụy Điển và làm hư hỏng cơ sở hạ tầng điện ở Nam Phi. Theo ông Bettwy, dù cơn bão Mặt trời mới nhất này có vẻ gây ít thiệt hại hơn so với các cơn bão Mặt trời trước đó, song thường phải mất vài tuần mới có thể đánh giá đầy đủ tác động.

Trên thực tế, những cơn bão Mặt trời như cơn bão gần đây tạo ra điện áp và dòng điện từ, có thể khiến các thiết bị như vệ tinh và lưới điện bị quá tải. Đơn cử cơn bão Mặt trời tồi tệ nhất trong lịch sử xảy ra vào năm 1859, được biết đến là Sự kiện Carrington, từng khiến các trạm điện và nhiều thiết bị bốc cháy.

Theo giới khoa học, dù hiện nay các nước đã tăng cường cải thiện mạng lưới điện của mình, nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện kéo dài như ở Thụy Điển năm 2003 hoặc Canada năm 1989, song để đối phó với các cơn bão Mặt trời sắp tới, người dân cần chuẩn bị thiết bị khẩn cấp để đề phòng mất điện, cũng như nước trong trường hợp các nhà máy nước ngừng hoạt động.

Bão Mặt trời là một vụ nổ năng lượng trên bề mặt Mặt trời. Chúng xuất hiện do sự giải phóng của từ trường Mặt trời - mạng lưới các đường sức từ bao quanh Mặt trời. Các đường sức từ này thường được tạo ra bởi các luồng plasma trên bề mặt Mặt trời. Khi các luồng plasma này va chạm với nhau, chúng có thể giải phóng một lượng lớn năng lượng, gây ra bão Mặt trời.

Cập nhật: 21/05/2024 TTXVN/Báo Tin tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video