Trái Đất từng may mắn thoát siêu bão Mặt Trời

  •   3,99
  • 10.708

Trái Đất đã may mắn tránh được một trận bão Mặt Trời mạnh nhất trong vòng 150 năm, đủ khả năng "đưa nền văn minh hiện đại trở về thế kỷ 18".

Trong thông báo đăng trên trang mạng chính thức, Giáo sư Daniel Baker thuộc chuyên ngành vật lý vũ trụ và khí quyển tại Đại học Colorado khẳng định nếu cơn bão Mặt Trời ngày 23/7/2012 bắn ra khỏi bề mặt Mặt Trời sớm hơn chỉ khoảng một tuần thì Trái Đất sẽ hứng trọn cú đánh trực diện và thiệt hại là không thể tưởng tượng.

May mắn thay, tàu vũ trụ có nhiệm vụ quan sát Mặt Trời STEREO-A đã thế chân Trái Đất trải nghiệm trọn vẹn "cơn bão lửa" này. Với các thiết bị được thiết kế để đối phó với những cơn bão như vậy, tàu STEREO-A đã mang về cho các nhà khoa học NASA một kho tàng thông tin quý giá về cơn bão kinh hoàng này.

Phân tích các thông tin có được, các nhà khoa học kết luận cơn bão Mặt Trời ngày 23/7/2012 có thể sánh với cơn bão lớn nhất từng được ghi nhận năm 1859, còn được gọi là sự kiện Carrington 1859. Khi đó, cơn bão đã phá hỏng toàn bộ các đường dây điện thoại và làm ảnh hưởng tới hệ thống điện báo ở châu Âu, Bắc Mỹ.

Cơn bão năm 2012 cũng mạnh gấp hai lần cơn bão năm 1989.
Cơn bão năm 2012 cũng mạnh gấp hai lần cơn bão năm 1989.

Cơn bão năm 2012 cũng mạnh gấp hai lần cơn bão năm 1989, gây mất điện ở tỉnh Quebec của Canada làm ảnh hưởng tới 6 triệu người trong suốt 9 giờ đồng hồ. Xét đến mức độ phụ thuộc của con người vào công nghệ thông tin hiện nay, nếu cơn bão 2012 lao thẳng đến Trái Đất thì những hậu quả mà nó mang lại sẽ nằm ngoài sức tưởng tượng.

Theo Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, hậu quả kinh tế của một cơn bão như vậy ước tính lên tới hơn 2.000 tỷ USD và phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi, chưa kể những ảnh hưởng không thể đo đếm được.

Bão Mặt Trời được hình thành từ một vụ nổ trên bề mặt "hành tinh lửa", còn được gọi là lửa Mặt Trời. Vụ nổ này sẽ phóng ra các tia X và tia UV về phía Trái Đất với tốc độ ánh sáng. Vì vậy, chỉ vài giờ sau khi vụ nổ xảy ra, các hạt mang điện tích (electron và proton) sẽ làm chập các vệ tinh và phá hủy các thiết bị điện tử trên đó.

Tiếp đó, các đám mây từ plasma được hình thành và thường mất hơn một ngày để di chuyển đến Trái Đất.

Tất nhiên, các đám mây này thường bị lớp từ trường bao quanh Trái Đất làm chuyển hướng, nhưng trong trường hợp chúng đủ mạnh để xuyên ra "lớp áo giáp" này thì những hậu quả gây ra sẽ là một thảm họa thực sự.

Theo các chuyên gia, bão Mặt Trời có thể gây mất điện trên diện rộng, làm hỏng các vệ tinh, hệ thống thông tin liên lạc, các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh, TV, radio...

Trung bình cứ 200 năm mới xảy ra một trận siêu bão Mặt Trời. Trong thời điểm hiện tại, Mặt Trời đang ở cuối chu kỳ và sở hữu năng lượng cực đại nên nhiều khả năng có thể tạo ra các cơn bão mới.

Phân tích các số liệu về bão Mặt Trời trong 50 năm qua, nhà vật lý học Pete Riley từng dự báo khả năng Trái Đất phải đón một siêu bão Mặt Trời trong một thập kỷ tới là 12%.

Trước tình hình này, các quốc gia đang đẩy mạnh chương trình cảnh báo sớm bão Mặt Trời bằng việc quan sát bề mặt hành tinh này và phân tích các thông số do vệ tinh cung cấp.

Hiện tượng cực quang - được sinh ra khi các hạt điện tích trong bão Mặt Trời tương tác với từ trường của các hành tinh và tạo nên các màu sắc đặc trưng trên bầu trời đêm - là một trong những dấu hiệu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm để dự báo bão Mặt Trời.

Cập nhật: 19/09/2017 Theo TTXVN/Vietnam+
  • 3,99
  • 10.708