Hiểm hoạ từ lò đốt rác Trung Quốc

Tại một đô thị đang phát triển ở đông nam Trung Quốc mọc lên lò đốt rác đồ sộ, tỏa mùi hôi thối xa hàng km và thải ra rất nhiều khói đen cùng hóa chất độc hại, khiến người dân xung quanh không dám qua lại.

Sau khi vượt Mỹ trở thành nước xả rác thải gia đình lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã thực hiện một chương trình quy mô để xây các lò đốt rác, trong tình hình các bãi chôn lấp đã quá tải. Nhưng những lò đốt rác tư nhân như lò Longgang ở Thâm Quyến lại trở thành một nguồn thải chất độc, từ dioxin tới thủy ngân, và có thể hủy hoại hệ thần kinh của con người.

Những chất độc hại này, đặc biệt những chất tồn tại lâu dài như dioxin và thủy ngân, gây nguy hiểm không chỉ ở Trung Quốc. Chúng trôi nổi trong không khí, băng qua Thái Bình Dương và tới tận các bờ biển nước Mỹ.

Các lò đốt rác của Trung Quốc hoàn toàn có thể thân thiện hơn. Ở đầu bên kia của thành phố Thâm Quyến, không hề có khói bốc lên từ lò đốt rác Baoan, do một công ty đa quốc gia xây dựng. Các cuộc xét nghiệm cho thấy lò đốt rác này hầu như không thải ra dioxin và các chất độc hại khác. Tuy vậy, chi phí xây dựng cho lò Baoan tốn kém gấp 10 lần lò Longgang. 

Công nhân xúc rác bên ngoài lò đốt Baoan ở Thâm Quyến. (Ảnh: NYT)

Sự khác biệt giữa lò Baoan và Longgang nằm ở chính sự mâu thuẫn đang gia tăng ở Trung Quốc. Các lò đốt rác đang được xây theo các tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau trên khắp quốc gia và ở ngay trong các thành phố. Trong nhiều năm, các nhà hành pháp Trung Quốc đã bàn về nhu cầu áp đặt giới hạn chặt chẽ hơn với khí thải. Nhưng họ không làm được gì bởi xung đột nội bộ giữa các cơ quan chính phủ, một quan chức Trung Quốc cho biết.

Chính phủ Trung Quốc đang vật lộn để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của các núi rác khi mà đất nước đông dân nhất thế giới đang cố gắng thoát khỏi sự đói nghèo để đi vào cơ chế thị trường. Hồi tháng 6, các quan chức Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng mọi bãi rác của thành phố sẽ hết chỗ trong vòng 5 năm tới.

Chính quyền của một vài thành phố, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, đã đặt ra những tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt như ở châu Âu. Nhưng trên thực tế, các cuộc phản đối trước những lò đốt rác sắp được xây dựng vẫn nổ ra ở Bắc Kinh, Thượng Hải và cả Tham Quyến.

Những cư dân ở các thành phố lớn không tin tưởng rằng những lò đốt rác mới sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế. “Thật khó để để biết được liệu tiêu chuẩn này có đạt được hay không – có thể lò đốt rác được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng làm thế nào chúng tôi biết được nó sẽ hoạt động hợp lý?”, Zhao Yong, một kỹ sư máy tính tại Bắc Kinh phát biểu.

Tuy vậy, những lò đốt rác vẫn tiếp tục được xây dựng ở các thành phố xa xôi nơi người dân ít có nhận thức về sự ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu tại Đại học Washington và Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne ở Illinois, Mỹ, đã ước tính rằng 1/6 lượng thuỷ ngân hiện nay rơi xuống các hồ Bắc Mỹ là đến từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, chủ yếu từ các nhà máy đốt than và lò đốt kim loại, nhưng cũng đến từ những lò đốt rác. Lượng kim loại độc, như cadmium, mà các lò đốt rác thoát ra thậm chí còn cao hơn ở các lò than.

Những lò đốt rác cũng chiếm một vai trò quan trọng trong việc thải ra dioxin. Các cuộc phân tích đã cho thấy dioxin có thể di chuyển rất xa.

Một báo cáo năm 2005 của World Bank đã cảnh báo rằng nếu Trung Quốc xây quá nhiều lò đốt rác mà không hạn chế lượng chất thải, hàm lượng dioxin trên bầu khí quyển toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi. Kể từ đó, Trung Quốc đã giảm bớt việc xây dựng lò đốt và cũng hạn chế phần nào lượng khí thải, nhưng sau đó World Bank chưa đưa ra một báo cáo tiếp theo nào.

Chất độc trong không khí không phải là vấn đề duy nhất do lò đốt rác gây ra. Tàn trò còn lại sau khi đốt cũng mang theo dioxin và các chất độc khác. Zhong Rigang, kỹ sư trưởng tại lò đốt rác Baoan cho biết hệ thống của họ thải tàn tro tới một bãi rác đặc biệt được thiết kế để xử lý chất thải độc. Nhưng một nghiên cứu khoa học vào năm ngoái tìm thấy hầu hết các bãi rác xử lý chất thải độc đều đã quá tải, vì vậy tàn tro đều bị chôn.

Lò đốt rác có hai lợi thế khiến Nhật Bản và phần lớn châu Âu theo đuổi: chúng chiếm ít diện tích hơn so với bãi rác và hơi nóng từ rác đốt có thể được sử dụng để tạo ra điện. Lò đốt rác Baoan tạo ra nặng lượng đủ để thắp sáng 40.000 ngôi nhà.

Bãi rác cũng có hiểm hoạ môi trường của chính nó. Các chất phân huỷ từ rác thải cũng tạo ra một lượng lớn methane - một khí gây hiệu ứng nhà kính. Methane từ các bãi rác là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với chất độc từ các lò đốt rác.

Quy định tại Trungg Quốc vẫn cho phép các lò đốt rác thải ra lượng dioxin cao gấp 10 lần so với Liên minh châu Âu. Việc thắt chặt tiêu chuẩn quốc gia tại nước này đã bị bế tắc trong 3 năm trở lại đây do mâu thuẫn giữa Bộ Môi trường và Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia, một quan chức tại Bắc Kinh giấu tên cho biết.

Cả hai cơ quan đều đồng ý cần thắt chặt tiêu chuẩn khí thải dioxin. Nhưng họ bất đồng ở chỗ liệu Bộ Môi trường có nên có quyền chấm dứt các dự án lò đốt rác không đạt chuẩn, hay để Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia giữ quyền quyết định cấp phép cho các dự án.

Yan Jianhua, Giám đốc tập đoàn chuyên xử lý chất thải tại Chiết Giang, bảo vệ ngành công nghiệp của mình và cho rằng việc các gia đình đốt rác ngoài trời còn thải ra nhiều dioxin hơn. “Việc đốt rác ngoài trời là một vấn đề lo ngại hơn cả”, Yan nói. Theo ông, Trung Quốc cần có sự phân loại rác tốt hơn để rác thải được phân huỷ một cách hợp lý.

Những người hâm mộ lò đốt rác cũng kêu gọi tăng cường tái chế và hạn chế sử dụng túi nilon để giảm lượng rác thải. Kể cả khi không tái chế thì phân loại rác cũng giúp các lò đốt rác hoạt động sạch hơn, bởi nhiệt độ trong lò có thể được điều chỉnh chính xác để hạn chế sự hình thành dioxin.

Diệu Minh - Vnexpress (theo NYTimes)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video