Kinh nghiệm cấy ghép mặt từ Trung Quốc

  •  
  • 481

Theo ông Hồng Chí Kiên (HongZhiJian)- Bác sĩ, chủ nhiệm khoa chỉnh hình ngoại, trưởng nhóm chuyên gia đề tài " Cấy ghép tổ chức dị thể trên khuôn mặt" của Tổng y viện quân khu Nam Kinh, từ năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị lâm sàng và thực hiện giải phẫu cấy ghép mặt.

Chuẩn bị "nguyên liệu" cho ca cấy ghép mặt

Phẫu thuật ghép mặt ngoài quá trình cấy ghép ra, việc đầu tiên cần giải quyết là vấn đề "lấy nguyên liệu", cần phải lấy được hoàn chỉnh da mặt có đủ phần mỡ dưới da, động mạch, tĩnh mạch, thậm chí cả dây thần kinh, đồng thời phải bảo đảm được cung cấp máu, hiện tại, kỹ thuật này đã hoàn toàn có thể thực hiện được.

Sơ đồ ca phẫu thuật cấy ghép mặt do các chuyên gia Trung Quốc tiến hành


Nhóm đề tài của bác sĩ Hồng Chí Kiên đã tiến hành phẫu thuật học thi thể, xác định vết mổ, phân lớp, ví dụ như những tổ chức nào dưới da có thể tách bỏ đi..., về cơ bản sẽ thực hiện từ đường chân tóc ra hai bên thái dương, thẳng xuống tới cằm. Trong khi thí nghiệm giải phẫu, họ phát hiện ra, phần da cổ nếu bị liên đới thì không thể bảo đảm cung cấp máu.

Trong quá trình thí nghiệm, phần da mắt khó thực hiện nhất, bởi vì kết cấu da mắt rất nhỏ, mỏng và phân li tầng rất quan trọng, nếu dày quá da mắt sau phẫu thuật sẽ bị nhô lên, nếu mỏng quá lại không bảo đảm được cung cấp máu.

Kỹ thuật ghép mặt yêu cầu phải lấy được toàn bộ phần mặt của người hiến tặng trong vòng 6-8 giờ sau khi chết.

Nhóm đề tài đã thực hiện lấy "nguyên liệu" trên thi thể mới trong vòng nửa giờ đồng hồ, phần thời gian dài hơn dành cho việc cắt, sửa các tổ chức da mặt sau khi lấy được. Do tổ chức da chỉ có thể chịu đựng tình trạng thiếu máu trong khoảng thời gian có hạn, nên phải cố gắng hoàn thành việc ghép nối mạch máu trong vòng 10 giờ đồng hồ.

Ở một số nước khác trước đây đã từng thực hiện việc ghép nối mặt trên động vật, họ ghép da mặt của một con chuột đen lên mặt của một con chuột bạch, kết quả là lông trắng của con chuột bạch vẫn mọc như bình thường. Kết quả này chỉ có ý nghĩa tham khảo, vì kết cấu khuôn mặt của con người là độc nhất vô nhị.

Sau khi bảo đảm mạch máu lưu thông, các tổ chức da đã sống, việc giải quyết phục hồi khả năng biểu đạt của khuôn mặt mới là bài toán khó.

Chỉnh hình gương mặt sau phẫu thuật

Trước tiên, phụ thuộc vào mức độ biến dạng của khuôn mặt bệnh nhân, tiếp đó là tình trạng sống của tổ chức da cấy ghép, tổ chức da của người hiến tặng và phần da còn lại của người bệnh phải kết nối một cách tự nhiên.

Nếu phần da mặt cấy ghép dày 5mm, sau khi thành công và đợi tiêu viêm thì có thể khôi phục được độ dày phần mặt như bình thường. Nếu phần da mới sống không tốt, sưng dày tới 15mm thì hoạt động biểu đạt của cơ thịt sâu bên trong sẽ khó biểu đạt được do phải dựa vào cơ. Nếu cả quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, các cách biểu đạt cơ bản như mỉm cười sẽ không có vấn đề gì.

Sau khi phẫu thuật, trong một thời gian ngắn có thể gặp phải hiện tượng tắc mạch máu gây hoại tử da, đây là vấn đề đều có thể gặp phải trong phẫu thuật ngoại khoa hiển vi.

Ngoài ra, khuôn mặt là cơ quan bên ngoài nên dễ bị nhiễm trùng do vết thương không kín miệng.

Mối nguy hiểm lớn nhất đối với phẫu thuật ghép mặt là phản ứng thải ghép sau phẫu thuật, đây là vấn đề người được ghép mặt sẽ phải gặp phải suốt đời.

Trong vòng từ vài ngày đến 1-2 tháng sau khi phẫu thuật, nếu có phản ứng thải ghép cấp tính thì vẫn có thể khống chế bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu bị phản ứng ghép thải mạn tính thì khống chế bằng thuốc không thật hiệu quả, nghiêm trọng hơn có thể làm cho tổ chức da bị hoại tử và bong ra. Hiện tượng này hiện nay mới chỉ giải quyết được ở mức độ nếu phẫu thuật thất bại thì sửa chữa bằng phẫu thuật chỉnh hình thông thường.

Phản ứng ghép thải sẽ đi kèm với uống thuốc miễn dịch suốt đời, và sẽ có phản ứng phụ của thuốc. Hiện nay, việc khống chế phản ứng phụ của thuốc mới chỉ dừng lại được ở mức độ an toàn, không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Khuôn mặt mới sau phẫu thuật sẽ giữ được 60% dung mạo của người bệnh và có 40% là dung mạo của người hiến tặng. Với những bệnh nhân bị bỏng thông thường không nên mạo hiểm thực hiện cuộc phẫu thuật lớn này. Phương pháp phẫu thuật này chỉ nên áp dụng đối với những bệnh nhân bị tai nạn xe, bị bỏng nặng, bị động vật cắn hoặc phần mặt có những khối u ác tính.

Tuyết Nhung
Theo VietNamNet
  • 481