Nếu cắm một lá cờ trên Mặt trăng mà không phải là hành động đánh dấu chủ quyền thì việc gì mới có ý nghĩa là xác định chủ quyền, và có phải ai cũng có thể thực sự sở hữu Mặt trăng?
Có hai lá cờ của hai quốc gia tung bay trên bề mặt vắng vẻ, tĩnh lặng đến kỳ lạ của Mặt trăng. Một lá cờ đầy sao và sọc của Mỹ, một lá cờ đỏ thẫm của Trung Quốc, nhưng nếu bạn hỏi bất kỳ quan chức nào của hai quốc gia này, họ sẽ nói rằng những lá cờ ở đây không đại diện cho tính sở hữu về tài sản hay chủ quyền lãnh thổ.
Hình minh họa bước chân của một nhà du hành trên Mặt trăng. (Ảnh: Caspar Benson).
Khi con tàu Sputnik 1 của Liên Xô - vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới - bay vút lên bầu trời vào tháng 10/1957, nó đã mở ra những lĩnh vực hoàn toàn mới. Một trong số đó là khoa học, nhưng cũng có cả pháp lý. Trong thập kỷ tiếp theo sau đó, cộng đồng quốc tế đã dự thảo Hiệp ước ngoài không gian vào năm 1967. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới liên quan đến việc thám hiểm không gian.
Hiệp ước này là văn bản pháp luật không gian có ảnh hưởng nhất, mặc dù rất khó thực thi. "Đây không phải là một quy tắc ứng xử" - Chuyên gia luật không gian Michelle Hanlon ở Trường đại học Luật, Đại học Misissippi, Mỹ, nói - "Đây chỉ là các hướng dẫn và các nguyên tắc".
Mặc dù thiếu tính khả thi trong thực tế, Hiệp ước này có các nguyên tắc rõ ràng về việc các quốc gia chiếm đất trong không gian. Điều 2 của Hiệp ước loại trừ khả năng một quốc gia tuyên bố quyền sở hữu các phần không gian hoặc bất kỳ thiên thể nào. Luật gia Halon cho biết "không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền trên Mặt trăng." Nhưng khi đề cập đến việc xây dựng các cấu trúc như cơ sở nghiên cứu và nơi sinh sống trên Mặt trăng, mọi thứ trở nên rối rắm hơn. "Ở một góc độ khác, đây chính là một dạng lãnh thổ, đúng không nào?" - Luật gia Halon nói.
Theo Điều 3 của Hiệp ước ngoài không gian, Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền có ảnh hưởng nhất định trong trường hợp áp dụng đối với tài sản trên Mặt trăng. Theo đó các cá nhân có quyền cơ bản đối với tài sản. Về mặt giả thuyết, điều này có nghĩa là ai cũng có thể xây dựng một ngôi nhà trên Mặt trăng và có quyền sở hữu ngôi nhà đó. Trên thực tế, một số người đã tuyên bố sở hữu một số bộ phận của Mặt trăng. Trong số những người này có ông Robert Coles, cựu chủ tịch Cung thiên văn Hayden của New York thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, người đã bỏ công sức bán một phần mẫu vật Mặt trăng với gia 1 đô-la/ mảnh vào năm 1955.
Tuy nhiên, Điều 12 của Hiệp ước ngoài không gian có một khoản hạn chế nỗ lực đó. Khoản này quy định rằng tất cả các bên đều có thể sử dụng mọi thứ lắp đặt trên các thiên thể khác. Nói cách khác, nó sẽ trở thành một nơi công cộng. Hiệp ước Mặt trăng năm 1979 đã giúp hài hòa Điều 2 và Điều 12 của Hiệp ước ngoài không gian bằng cách quy định rằng bất kỳ thực thể thương mại hoặc cá nhân nào hoạt động trong không gian đều được coi là một phần của quốc gia mà thực thể hoặc cá nhân đó thuộc về, chứ không phải là một thực thể độc lập.
Nhưng cho đến nay, Mỹ, Nga và Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận này, và vì thế phần lớn Hiệp ước ngoài không gian vẫn được coi là vô hiệu. Khi Chương trình Artemis của NASA và dự án căn cứ Mặt trăng chung của Nga - Trung Quốc bắt đầu hoạt động, các luật sư về không gian sẽ phải nỗ lực hết sức để có được những quy định dung hòa giữa Điều 2 và Điều 12 của Hiệp ước.
Một nhà du hành vũ trụ trên tàu Apollo 17 bước đi trên bề mặt Mặt trăng, phía sau là lá cờ Mỹ (Ảnh: NASA/JPL).
Gần đây hơn, NASA đã cố gắng bổ sung những thiếu sót trong pháp luật không gian bằng Hòa ước Artemis, một thỏa thuận quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho việc khám phá không gian trong tương lai. Dựa trên Hiệp ước ngoài không gian, Hòa ước Artemis đưa ra một loạt các nguyên tắc không ràng buộc quy định hoạt động trên một số thiên thể bao gồm cả Mặt trăng. Trong số các nguyên tắc này, có nội dung công nhận một số vùng nhất định trên Mặt trăng, như bãi đáp tàu thăm dò Luna của Nga và dấu chân của Neil Armstrong là những di sản ngoài không gian được bảo vệ.
Điều đáng nói là Hòa ước này này cũng cho phép các thực thể khai thác và sử dụng tài nguyên ngoài Trái đất, nhưng không phải quốc gia nào cũng hào hứng với việc này. Cho đến nay, 21 quốc gia đã ký Hòa ước Artemis, mặc dù một số bên tham gia trong đó có Nga đã từ chối điều khoản mà họ cho là mang lại lợi thế không công bằng khiến nước Mỹ được hưởng lợi.
Và còn có những cách khác vẫn là đòi sở hữu mà trông có vẻ như không phải đòi sở hữu đối với các tài sản trên Mặt trăng, ví dụ như việc sử dụng các thiết bị khoa học trên Mặt trăng cũng có thể trở thành yêu sách về đất đai nếu nhóm nghiên cứu cấm người khác đến quá gần thiết bị của họ. Tất cả những điều này chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm pháp luật không gian trong vài thập kỷ tới.