Những dòng sông bị quên lãng được hồi sinh như thế nào?

  •  
  • 404

Hầu hết cư dân thành thị không biết về các dòng chảy ngầm dưới chân họ, và nhiều thành phố có những con sông bị lãng quên vốn bị chôn vùi cả thế kỷ.

Sông Bìevre từng chảy qua khu vực Tả Ngạn thủ đô Paris của nước Pháp, nhập vào đoạn sông Seine gần ga Austerlitz. Vào những năm 1800, nhà văn Victor Hugo đã mô tả con sông này như một ốc đảo đô thị bình dị và nước của nó được đồn là có đặc tính kỳ diệu.

Những dòng chảy bị vùi lấp

Nhưng theo thời gian, các cối xay nước, những người thợ thuộc da và thợ đóng giày kéo đến quanh Bìevre. Bởi vậy, cho tới giữa thế kỷ 19, nó trở thành một mối nguy hại cho sức khỏe. Quá trình biến đổi thành phố do Nam tước Georges-Eugène Haussmann thực hiện đã khiến sông Bìevre dần bị vùi lấp, cho tới khi nó hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ Paris vào năm 1912.

Chôn lấp các dòng sông xuống lòng đất không phải là một giải pháp vì chúng vẫn ở đó, chúng ta phải chung sống với các con sông

Kể từ đó, một số nỗ lực hồi sinh Bìevre đã thất bại. Cho đến năm 2020, hội đồng thành phố Paris đã công bố ý định khôi phục tuyến đường thủy bị lãng quên như một phần trong tham vọng mang thiên nhiên trở lại thành phố. Các vùng nước có thể giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị bằng cách hấp thụ nhiệt, và cũng có thể giúp ngăn ngừa lũ lụt bằng cách đón lượng nước mưa vượt ngưỡng chống chịu của hệ thống thủy lợi.

"Sự hồi sinh của sông Bìevre không còn là một giả thuyết phi thực tế nữa", phó thị trưởng phụ trách khí hậu, nước và năng lượng, ông Dan Lert, nói sau khi thị trưởng Anne Hidalgo tái đắc cử vào năm 2020. "Nhu cầu về một Paris trong lành và xanh hơn là có thật".

 Một dòng chảy trong lòng đô thị ở Yonkers, New York.
Một dòng chảy trong lòng đô thị ở Yonkers, New York. (Ảnh: Untapped New York).

Bìevre không phải là dòng sông đô thị duy nhất trải qua giai đoạn tái sinh. Trên khắp thế giới, quá trình làm sống lại những dòng sông đang diễn ra một cách từ từ nhưng chắc chắn. Vào năm 2014, Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, đã hồi sinh các dòng chảy lần lượt mang tên Fairburn và Parahiku.

Thành phố Sheffield, Anh đã tái sinh được con sông nhỏ Porter Brook vào năm 2016. Trong một thập kỷ qua, thành phố Yonkers thuộc bang New York, Mỹ đã đưa sông Saw Mill trở lại với ánh sáng mặt trời sau khi bị vùi lấp từ những năm 1920. Madrid (Tây Ban Nha), Manchester (Anh) và thành phố New York (Mỹ) cũng đang xem xét các dự án phục hồi tương tự.

Phần lớn các dòng sông đô thị này đã bị vùi lấp trong quá trình đô thị hóa của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Khi chất lượng nước suy giảm, chúng dần dần bị biến thành các cống ngầm, đôi khi là trở thành các rãnh nước. Điều này cũng góp phần ngăn lũ lụt.

Đưa các dòng nước trở lại với ánh mặt trời

Tuy nhiên, với công nghệ và kỹ thuật ngày nay, việc giữ chúng dưới lòng đất thường không còn ý nghĩa nữa. Trên thực tế, các thành phố đang nhận ra rằng việc đưa các dòng sông cũ trở lại với ánh sáng mặt trời có thể giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Chôn lấp các dòng sông xuống lòng đất không phải là một giải pháp vì chúng vẫn ở đó, chúng ta phải chung sống với các con sông", Adam Broadhead, nhà khoa học của công ty phát triển bền vững Arup và nghiên cứu về các dự án tái sinh sông ngòi toàn cầu, nói.

Dòng sông Ravensbourne ở London.
Dòng sông Ravensbourne ở London. (Ảnh: The Lost Byway).

"Khi nói về cách thích nghi với biến đổi khí hậu trong tương lai, cách tiếp cận bền vững nhất là suy nghĩ xem liệu chúng ta có thể chung sống cùng các dòng sông như những dòng chảy thông thoáng nữa không, và tôi cho rằng, khi nghĩ một cách thấu đáo, câu trả lời là chúng ta có thể. Bạn có thể thấy nhiều ví dụ cho điều này", Broadhead khẳng định.

Khi các đợt mưa lớn trở nên phổ biến hơn, các thành phố trở nên ngày càng dễ tổn thương hơn vì các trận lũ quét. Tại Sheffield, nơi các đường cống đã bị sập trong những năm qua, việc đưa Porter Brook trở lại là con sông bình thường như trước đã được coi như là một dự án chống ngập lụt. Nó đã thành công đến nỗi các dự án khác để làm sạch và phát triển các sông Sheaf và Porter đang được tiến hành.

"Các đường cống trên khắp nước Anh đã gần 200 năm tuổi và đang bắt đầu xuống cấp", Broadhead nói. "Nếu chúng bị tắc nghẽn, điều thường xuyên xảy ra, đó là một gánh nặng bảo trì, nên việc mở thông chúng một lần nữa sẽ cải thiện việc phòng chống rủi ro ngập lụt".

Daylighting là gì?

Dù vẫn là một chủ đề ít quen thuộc với hầu hết người dân, daylighting (tạm dịch: phục hồi các dòng sông) không phải là một khái niệm mới. Thành phố Zurich, Thụy Sĩ đã làm điều này từ cuối những năm 1980 và thực tiễn này (trong tiếng Thụy Sĩ là Bachkonzept hay "khái niệm dòng chảy") thậm chí đã được đưa vào luật để ngăn chặn nước sạch bị hòa lẫn với các đường ống ô nhiễm.

Ngày nay, Zurich đã đưa trở lại mặt đất khoảng 15km các dòng suối chảy qua thành phố và đổ vào hồ nước nổi tiếng cùng tên hay các con sông Limmat, Glatt.

Chúng tôi ở đầu nguồn của một số con sông lớn, như Rhine và Rhône. Chúng tôi có nước sạch từ nguồn, nên chúng tôi cố gắng chắc chắn rằng nó vẫn là nước sạch khi chảy qua quốc gia của mình

Có nước sạch chảy qua các con sông thay vì những đường cống được coi là một cơ hội để làm sống lại các khu vực cụ thể và cải thiện chất lượng sống. Điều này cũng giúp hệ thống xử lý nước hiệu quả hơn. Các dòng chảy điều hướng từ 200 tới 250 lít nước sạch từ hệ thống thoát nước mỗi giây, giúp giảm đáng kể chi phí xử lý nước thải.

"Bạn có thể tiết kiệm tiền vì bạn không phải xây dựng những nhà máy xử lý nước thải lớn đến vậy", Markus Antener, người làm việc về Bachkonzept tại hội đồng thành phố Zurich từ khi dự án này bắt đầu, cho biết. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng Thụy Sĩ có cách tiếp cận đặc biệt với chất lượng nước.

"Chúng tôi ở đầu nguồn của một số con sông lớn, như Rhine và Rhône. Chúng tôi có nước sạch từ nguồn, nên chúng tôi cố gắng chắc chắn rằng nó vẫn là nước sạch khi chảy qua quốc gia của mình", Anterner nói.

Một trong những dòng chảy đô thị lớn và nổi bật nhất được phục hồi là Cheonggyecheon ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Nó được tái sinh vào năm 2005 và được ghi nhận là giúp làm sống lại cả một khu vực lân cận.

Được đưa trở lại với ánh sáng mặt trời tại nơi từng là một cao tốc trên cao, dòng suối Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên) và khu vực bao quanh nó đã được chuyển đổi thành một công viên, nơi người dân tụ tập để đi dạo, cắm trại hoặc tiệc tùng sau giờ làm việc.

Lạch Arcadia ở Kalamazoo, Michigan được xây dựng từ 1982 đến 1995.
Lạch Arcadia ở Kalamazoo, Michigan được xây dựng từ 1982 đến 1995. (Ảnh: City-Data).

Broadhead cho rằng Cheonggyecheon không phải là một dự án daylighting thực thụ, vì con suối vẫn chảy trong các đường cống ngầm và nước chảy từ các đài phun ở đầu nguồn. Dù vậy, ông thừa nhận Cheonggyecheon góp phần làm phổ biến khái niệm daylighting và cho thấy lợi ích của nó.

"Nó là một ví dụ thực sự tốt của văn hóa daylighting, vì nó là một trong những trường hợp điển hình nhất và nó giúp nâng cao nhận thức về daylighting", Broadhead nói.

Tại London, Broadhead đang triển khai một dự án mở ao Branch HIll tại rìa của Hampstead Health, một cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu đời. Ông hy vọng dự án này sẽ khiến người dân quan tâm nhiều hơn đến con sông bị lãng quên Westbourne ở gần đó.

"Nếu nó có thể giúp người dân nhận ra rằng có một dòng chảy đi qua khu vực sống của họ, đó sẽ là một việc có ý nghĩa đôi chút với môi trường sống. Nhưng nó cũng đồng thời sẽ là một hạt mầm nhỏ được gieo trồng để khuyến khích họ và các thế hệ tương lai nghĩ về nơi mà họ có thể tái sinh nhiều con sông hơn nữa", Broadhead nói.

Cập nhật: 09/12/2022 Zing
  • 404