Các nhà nghiên cứu từ Đại học London phát hiện ra rằng sự nóng lên gia tăng ở Bắc Cực sẽ là nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái đất vượt ngưỡng 2°C (so với thời tiền công nghiệp được ghi trong Thỏa thuận Paris) sớm hơn 8 năm.
Khi biến đổi khí hậu tiếp tục tác động đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta, các vùng ở Bắc Cực cũng đang âm thầm bị tàn phá. Độ bao phủ băng ở Bắc Cực đang giảm 13% mỗi thập niên và còn đang trở nên mỏng hơn đáng kể. Do đó, mực nước biển Bắc Cực đang tăng lên một cách đáng lo ngại, hiện chiếm 35% mức tăng mực nước biển toàn cầu. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến động vật hoang dã ở Bắc Cực, đe dọa trực tiếp đến các loài phụ thuộc vào băng nhưng cũng gián tiếp đe dọa các sinh vật khác.
Maurizio Azzaro, Giám đốc Viện Khoa học Địa cực ở khu vực Messina (Ý), cho biết: “Và điều đáng lo ngại này đang xảy ra vì Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn gần bốn lần so với phần còn lại của thế giới”. Hiện tượng này, được gọi là Khuếch đại Bắc Cực, hiện đã được cộng đồng khoa học ghi nhận và thừa nhận.
Băng đang tan rất nhanh ở Bắc Cực.
Azzaro giải thích: “Một phần lý do tại sao việc Khuếch đại Bắc Cực đang diễn ra là vì Bắc Cực vốn rất trắng do băng và tuyết. Khi biến đổi khí hậu làm tan đi khoảng trắng đó, bề mặt tối hơn sẽ lộ ra mà các bề mặt tối hơn lại hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn, khiến Bắc Cực giữ lại nhiệt nhiều hơn. Điều này được gọi là phản hồi cộng hưởng do sụt giảm phản chiếu băng”.
Azzaro cho biết thêm: “Các phản hồi cộng hưởng khác cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Khuếch đại Bắc Cực, gồm cả từ mây và đại dương”. Bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, Azzaro nói: “Bắc Cực như chúng ta biết đang biến mất rất nhanh”.
Tác động của Khuếch đại Bắc Cực đến nhiệt độ toàn cầu
Tuy nhiên, tác động của Khuếch đại Bắc Cực có thể sẽ không bó hẹp ở các vùng Bắc Cực. Do Khuếch đại Bắc Cực, những thay đổi do sự nóng lên gây ra ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới cũng đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn, dù không chóng mặt như ở Bắc Cực.
Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học London, Khuếch đại Bắc Cực sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc nhiệt Trái đất chạm ngưỡng 2°C của Thỏa thuận Paris đến sớm hơn 8 năm so với khi khu vực này ấm lên ở mức trung bình toàn cầu.
Thỏa thuận Paris là một hiệp ước quốc tế năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm mục đích duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Alistair Duffey, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa học Trái đất của Đại học London và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Đối với nhiều người, ngưỡng nhiệt độ của Thỏa thuận Paris là đối tượng chính để tìm hiểu và định lượng biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích diễn giải quá trình biến đổi khí hậu ở Bắc Cực theo những mô tả quen thuộc hơn với số đông”.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã so sánh các dự báo về biến đổi khí hậu trong tương lai có và không có Khuếch đại Bắc Cực. Duffey giải thích: “Điều này cho phép chúng tôi định lượng tác động trực tiếp của Khuếch đại Bắc Cực”.
Ít băng hơn, dòng hải lưu thay đổi và thời tiết khắc nghiệt
Khuếch đại Bắc Cực còn có những tác dụng quan trọng khác. Duffey cho biết: “Khi chúng ta làm ấm Bắc Cực, chúng ta làm tan chảy một phần đáng kể mặt đất đóng băng ổn định bấy lâu ở bán cầu bắc, được gọi là lớp băng vĩnh cửu. Điều này có thể làm tăng lượng khí thải mêtan và carbon dioxide, bổ sung thêm khí nhà kính vào cơ chế làm toàn cầu nóng lên”.
Azzaro giải thích: “Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu cũng có thể dẫn đến việc giải phóng các loại vi rút và vi khuẩn cổ xưa không hoạt động, cũng như thúc đẩy các vụ lở đất và các tai nạn địa chất khác. Hậu quả đối với sinh quyển và môi trường có thể rất thảm khốc”.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc bổ sung một lượng lớn nước ngọt từ sự tan chảy của sông băng có thể làm gián đoạn sự lưu thông của đại dương, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh vật biển.
Nhưng nguy hiểm hơn cả với những người bi quan là một khi dòng hải lưu thay đổi thì kéo theo nhiệt độ châu Âu có thể bị biến đổi theo những kịch bản không thể hình dung.
Azzaro cho biết thêm: “Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy sự nóng gia tăng ở Bắc Cực và sự mất băng biển có liên quan trực tiếp đến thời tiết khắc nghiệt ở Bắc bán cầu”.
Duffey cũng cảnh báo: “Sự nóng lên ở Bắc Cực làm tăng thêm sai số trong công tác dự đoán khí hậu. Điều này là do có một số thay đổi khi định lượng Khuếch đại Bắc Cực trong cộng đồng khoa học, do đó ảnh hưởng đến các dự đoán khí hậu khác nhau trong tương lai”.