Hiện tượng sấm ầm ì dồn dập kéo dài ở Hà Nội trong vài ngày gần đây là do đâu?

Những tiếng sấm dồn dập, liên tục, không vang rền đến giật mình nhưng kéo dài hàng chục phút, thậm chí 1 - 2 giờ đồng hồ ở Hà Nội trong mấy ngày gần đây có thể được giải thích thế nào? Đây có phải hiện tượng gì khác thường?

Trong vài ngày gần đây, những cơn mưa dông buổi tối và đêm ở Hà Nội có rất nhiều tiếng sấm. Tiếng sấm không vang rền mà ầm ì, liên tiếp và khá đều, kéo dài cả tiếng đồng hồ hoặc hơn. Tại sao lại có hiện tượng này?

Theo giải thích của kênh ABC, các cơn dông có thể tạo ra số lượng sét khác nhau, tùy vào điều kiện phát triển của chúng. Càng nhiều giọt nước li ti hay cục mưa đá va chạm nhau trong cơn dông thì càng tạo ra nhiều sét. Mà như thế tất nhiên tạo ra những tiếng sấm lớn hơn.


Có những tia sét đi kèm tiếng sấm rất lớn. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Thế nhưng số lượng sét lại không phải là điều tạo ra độ lớn của tiếng sấm.

Những tiếng sấm ầm ì, nối tiếp nhau liên tục và kéo dài như trong các cơn mưa dông ở Hà Nội vài ngày qua xảy ra khi có điều kiện thích hợp, bao gồm sự nghịch nhiệt mạnh, cụ thể là một lớp/ tầng không khí ấm ở giữa 2 lớp/ tầng không khí mát.

Bình thường, khi đi từ mặt đất lên cao thì nhiệt độ giảm. Tuy nhiên, đôi khi sự nghịch nhiệt sẽ xảy ra vì không khí gần mặt đất thường nguội đi nhanh hơn không khí phía trên nó. Điều này tạo ra sự nghịch nhiệt, giữ sóng âm từ cơn dông. Những sóng âm này sẽ dội qua lại giữa mặt đất và vùng không khí có sự nghịch nhiệt nói trên, truyền đi rất xa và tạo ra những âm thanh rất trầm, gần như liên tục.

Những sóng âm cũng có thể dội lại từ đồi núi, các tòa nhà cao tầng…, khiến âm thanh càng dài hơn.

Sự nghịch nhiệt thường xảy ra vào buổi chiều tối, tối, đêm và sáng sớm, nên hiện tượng sấm ầm ì liên tiếp kéo dài cũng thường xảy ra vào những khoảng thời gian đó. Những cơn dông trong vài ngày qua ở Hà Nội thường xảy ra vào tối và đêm, nên có hiện tượng này cũng là dễ hiểu.


Trong một số cơn dông có rất nhiều sấm sét, tiếng sấm có thể ì ầm liên tục cả giờ đồng hồ. (Ảnh minh họa: Fendy Gan).

Ngoài ra, có một yếu tố nữa cần nghĩ đến là khoảng cách từ chỗ có tia sét đánh xuống đến chỗ người nghe. Chúng ta thấy chớp lóe lên nhưng không nghe thấy tiếng sấm ngay do ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh. Âm thanh to, vang, đanh thì cho biết là sét đánh ở gần đó. Sau âm thanh lớn ban đầu này, chúng ta có thể nghe thấy nhiều tiếng ì ầm vì không khí tiếp tục rung động, và tiếng sấm ì ầm kéo dài xảy ra khi tia sét đánh ở khá xa.

Cập nhật: 26/08/2024 hoahoctro.tienphong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video